Một ngày giữa năm 2017, Hoàng tử Mohammed bin Nayef loạng choạng bước ra khỏi cung điện nhà vua ở Mecca. Những vệ sĩ riêng của ông đã biến mất. Hoàng tử được dẫn lên chiếc ôtô đang chờ sẵn.
Vài giờ sau, khi đến cung điện ở thành phố ven biển Jeddah, ông nhận ra mình bị quản thúc tại gia. Đêm trước đó, ngày 20/6/2017, Nayef - cháu trai nhà vua - đã buộc phải từ bỏ tư cách người thừa kế ngai vàng Saudi Arabia.
Năm 2015, khi Vua Salman bắt đầu trị vì, ông Nayef đã được phong làm thái tử ở tuổi 55, đưa ông lên hàng kế vị ngai vàng. Nhưng những căng thẳng gay gắt vẫn âm ỉ giữa ông Nayef và người em họ Mohammed bin Salman (MBS) - con trai của nhà vua và là người đã vươn lên từ chức vụ vô danh trở thành phó thái tử.
“Có súng sau lưng tôi”
Hôm 5/6/2017, căng thẳng giữa các hoàng tử lên tới đỉnh điểm sau khi MBS cùng nhiều lãnh đạo khác trong khu vực áp lệnh phong tỏa với Qatar.
Tuy ông Nayef cũng nhận thấy vấn đề với Qatar, vị hoàng tử muốn ngoại giao âm thầm thay vì có cách tiếp cận công khai như ông bin Salman. Sau lưng em họ, ông Nayef đã mở kênh bí mật với Quốc vương Qatar, ông Tamim bin Hamad al-Thani.
Hôm 20/6/2017, giữa khủng hoảng, Vua Salman triệu tập ông Nayef tới cung điện ở Mecca. Khi tới nơi, vệ sĩ của ông bị yêu cầu đứng ngoài. Mọi thiết bị liên lạc bị thu giữ.
Guardian đưa tin rằng vị hoàng tử bị giam lỏng nhiều giờ và bị gây áp lực phải ký vào đơn cam kết trung thành với ông bin Salman. Ban đầu, ông Nayef từ chối. Theo nguồn tin, ông Nayef cũng bị tịch thu thuốc tăng huyết áp và tiểu đường.
Ông Nayef cũng sốc khi biết chuyện 2 hoàng tử trong Hội đồng Trung thành - cơ quan hoàng gia phê chuẩn dòng kế vị - đã thuận theo ông bin Salman. Lo lắng và kiệt sức, tới sáng, ông đầu hàng.
Trong căn phòng có máy quay truyền hình đứng đợi, người em họ bin Salman chạy tới, hôn lên tay ông Nayef và định quỳ gối. “Khi tôi nói lời thề trung thành, có một khẩu súng sau lưng tôi”, ông Nayef sau này viết trong một tin nhắn gửi tới cố vấn.
Sau đó, áp phích hình ông Nayef bị gỡ khỏi các tòa nhà công cộng. Ông bin Salman là người kế vị ngai vàng và là người đàn ông quyền lực nhất đất nước ở tuổi 31. Vị vua 80 tuổi vẫn là nguyên thủ quốc gia, nhưng ông bin Salman có quyền kiểm soát tuyệt đối với tất cả đòn bẩy về an ninh, kinh tế và dầu mỏ của Saudi Arabia.
Tân thái tử bin Salman hôn lên tay người anh họ năm 2017. Ảnh: AP. |
Phá vỡ mô hình kế vị truyền thống
Thông tin mà Guardian thu thập được tương đối nhỏ giọt, xuất phát từ một số nguồn tin. Một trong số này là từ Saad Aljabri - cố vấn thân cận nhất của ông Nayef. Nhiều người coi ông Aljabri - 63 tuổi - là nhân vật quyền lực nhất trong số những người không thuộc dòng dõi hoàng gia Saudi Arabia.
Trong nhiều thập niên, ngai vàng được truyền lại giữa các con trai của ông Abdulaziz Al Saud - người sáng lập ra nhà nước Saudi Arabia hiện đại - nhằm đảm bảo cân bằng quyền lực giữa các nhánh hoàng gia. Nếu ông Nayef kế vị, sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên ngôi vương truyền lại cho thế hệ sau, nhưng vẫn thuộc nhánh khác của gia đình, nên sự cân bằng đó được duy trì.
Tuy nhiên, sự kiện đêm 20/6/2017 không chỉ đẩy đối thủ chính của ông bin Salman sang một bên mà còn phá vỡ mô hình kế vị cũ coi trọng thâm niên và đồng thuận nội bộ, khi trao quyền trực tiếp từ cha sang con trong cùng một nhánh. Điều này cho phép ông bin Salman tích lũy quyền lực lớn hơn mọi lãnh đạo trước đây, trước cả khi chính thức lên ngôi.
Sự kiện này còn là đỉnh điểm của mối căng thẳng kéo dài nhiều tháng giữa 2 người anh em họ. Một trong những xung đột chính là tìm cách giành được sự chú ý từ chính quyền Tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump.
Việc bí mật nghe lén các cuộc gọi của ông bin Salman với phụ tá của ông Trump khiến ông Nayef có thể theo dõi hoạt động của người em họ ở Washington. Bằng nhiều cách, ông Nayef muốn gây ấn tượng với tân tổng thống, thể hiện ông không chỉ là đối tác lâu năm mà còn là người có giá trị hơn em họ mình, trong đó phải kể tới việc ký hợp đồng vận động hành lang trị giá 5,4 triệu USD.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp ông MBS hồi tháng 3/2017. Ảnh: New York Times. |
Khi tin tức về hợp đồng lan rộng, ông Aljabri lo sợ mắc kẹt trong cuộc chiến giữa các hoàng tử. Hồi tháng 5/2017, ông lặng lẽ trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Hôm 18/6/2017, ông đột ngột nhận được tin nhắn mềm mỏng bất ngờ từ ông bin Salman, yêu cầu quay lại Saudi Arabia để giúp giải quyết vấn đề với ông Nayef. Hai người vốn có hiềm khích từ năm 2015. Tuy nhiên, vị phụ tá thân cận này từ chối với lý do điều trị y tế.
Quyền lực gần như tuyệt đối
Vào cuối năm 2017, các điều kiện quản thúc ông Nayef được nới lỏng, nhưng ông vẫn bị cấm đi khỏi Saudi Arabia. Vị cựu thái tử ban đầu tin mình sẽ mất tất cả chức danh chính thức và đổi lại sẽ nhận được khoản bồi thường tài chính hậu hĩnh.
Ông hy vọng sẽ được đối xử giống người tiền nhiệm là Hoàng tử Muqrin bin Abdulaziz, người bị cách chức thái tử vào năm 2015. Hoàng tử Muqrin đã nhận nhiều “quà tặng”, gồm khoản tiền 800 triệu USD và du thuyền sang trọng Solandge.
Trái lại, phần lớn tài sản của ông Nayef bị tịch thu. Dù không rõ tài sản ở nước ngoài vị hoàng tử có bao nhiêu, ông Nayef chắc chắn đã phải từ bỏ nhiều tài sản ở trong nước, theo Guardian.
Theo một nguồn thạo tin hiện sống tại châu Âu của Guardian, tổng tài sản ông Nayef bị tịch thu là 5,22 tỷ USD. Một nguồn tin khác nói con số này là 4,75 tỷ USD.
Một bức tranh đường phố ở Taif, Saudi Arabia năm 2017 vẽ Vua Salman bên cạnh con trai bin Salman (phải) và cháu trai Nayef. Ảnh: AP. |
Tới tháng 3/2020, nơi lưu trú của ông ở ngoại ô Riyadh bị đột kích. Ông đã bị biệt giam trong hơn 6 tháng. Một nguồn tin cho hay cách ông bị đối xử trong thời gian này đã dẫn đến tổn thương lâu dài ở cẳng chân và mắt cá chân.
Vào cuối năm 2020, ông Nayef được chuyển đến khu phức hợp cung điện Yamamah ở Riyadh - nơi ở chính thức của nhà vua và trụ sở chính của chính phủ Saudi Arabia.
Ông không được phép ra ngoài khu vực sinh sống và luôn bị ghi hình. Các thành viên gia đình hiếm khi được tới thăm, trong khi bác sĩ riêng và người đại diện hợp pháp cũng không được gặp. Vị hoàng tử bị ép ký vào nhiều tài liệu mà không cần đọc, theo một nguồn tin ở châu Âu của Guardian.
“Lý do chính mà ông Nayef bị giam giữ là việc thái tử lầm tưởng ông là mối đe dọa cho vị trí của mình”, một nguồn tin tiết lộ.
Dẫu vậy, hiện dường như không gì có thể ngăn cản Thái tử bin Salman kế vị vua cha. Những lời chỉ trích như trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi hay xung đột tại Yemen dường như không khiến quyền lực của ông bị lung lay. Và bất chấp rủi ro về danh tiếng, nhiều nhà đầu tư Mỹ vẫn háo hức đạt thỏa thuận với quốc gia dầu mỏ giàu có này.
Một nguồn tin từ gia đình hoàng gia nói họ sẽ không ngạc nhiên nếu một ngày nào đó, ông Nayef đột nhiên xuất hiện trước công chúng cùng với thái tử bin Salman và chúc phúc cho vị thái tử. Tương tự video xuất hiện sau sự kiện năm 2017, đây sẽ lại là một hình ảnh nữa định hình thời đại của bin Salman và sự trỗi dậy quyền lực của vị thái tử.
Quyền lực tối cao của hoàng tử 8X giàu nhất Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn MBS: The Rise to Power of Mohammed bin Salman của tác giả Ben Hubbard, người đứng đầu văn phòng Beirut của New York Times (NYT). Cuốn sách này nói về Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, khắc họa con đường ông vươn lên quyền lực tối cao và cuộc sống của giới giàu có Trung Đông.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.