Chủ tịch Microsoft Brad Smith. Ảnh: New York Times. |
Chủ tịch Microsoft Brad Smith đã chia sẻ lo ngại lớn nhất của ông là deepfake khi AI ngày càng trở nên phổ biến và tân tiến.
Câu chuyện được ông Smith nhắc tới trong buổi tọa đàm tại Bảo tàng Planet World, ở Washington hôm 25/5 về chủ đề làm thế nào để siết luật AI giữa bối cảnh công nghệ này đang ngày càng lan rộng sau cơn sốt ChatGPT. Tại sự kiện, Chủ tịch Microsoft kêu gọi giải pháp để người dùng nhận biết một hình ảnh hay đoạn video bất kỳ là thật hay do AI tạo dựng cho những mục đích bất chính.
Siết luật AI
“Chúng ta cần phải giải quyết những vấn đề liên quan đến deepfake, đặc biệt là đối với các tổ chức không gian mạng bên ngoài lãnh thổ”, ông nói. Brad Smith cho rằng cần có những hành động cụ thể để bảo vệ mọi người trước những nguồn thông tin giả mạo, tránh bị lừa đảo bởi những công cụ AI.
Theo ông, các cơ quan chức năng cần ra mắt những bộ luật cho AI để phòng ngừa mọi nguy cơ về an ninh quốc gia và an ninh mạng.
Chủ tịch Microsoft Brad Smith kêu gọi biện pháp để mọi người biết được khi nào một hình ảnh, video là do AI tạo ra. Ảnh: Bloomberg. |
“Chúng ta cần có những quy định quản lý xuất khẩu mới, ít nhất là phải cải tiến so với bộ quy tắc hiện tại. Điều này nhằm đảm bảo rằng những sản phẩm công nghệ mới không bị đánh cắp hoặc bị lợi dụng để vi phạm điều luật quốc gia”, Chủ tịch Microsoft nói.
Chia sẻ của Brad Smith được đưa ra ngay sau khi Sam Altman, CEO của công ty OpenAI, bày tỏ ủng hộ việc lập khung pháp lý để kiểm soát trí tuệ nhân tạo (AI) và giảm thiểu nguy cơ AI can thiệp vào các kỳ bầu cử tại buổi điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ ngày 16/5.
Ông Altman cho rằng sự phát triển của AI hiện nay có thể tạo ra những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng tại các kỳ bầu cử. "Trí tuệ nhân tạo có khả năng cải thiện mọi lĩnh vực trong đời sống chúng ta, nhưng nó cũng tạo ra những mối lo nghiêm trọng mà chúng ta phải cùng nhau giải quyết", ông nói.
Một bức ảnh do AI tạo ra có tên là "bức tường của những tấm ảnh giả". Ảnh: Ars Technica. |
Gần đây, phát biểu tại hội nghị CEO Council Summit do WSJ tổ chức ở London (Anh), Eric Schmidt, cựu CEO Google, lo ngại khả năng trí tuệ nhân tạo (AI) gây rủi ro cho nhân loại.
"Rủi ro này định nghĩa rằng rất, rất, rất, rất nhiều người bị làm hại hoặc bị giết", Schmidt cho biết. Ông nhận định chính phủ các nước cần đảm bảo công nghệ này không bị kẻ xấu lợi dụng.
Dán nhãn, nâng cao an ninh đối với nội dung AI
Do đó, trong buổi tọa đàm tại Washington, Chủ tịch Microsoft Brad Smith tiếp tục bày tỏ những lo ngại về AI và khẳng định cần phải có ai đó chịu trách nhiệm cho những vấn đề của công nghệ này.
Ông kêu gọi phải thực thi các biện pháp an ninh đối với các hệ thống AI liên quan đến những cơ sở hạ tầng quan trọng như lưới điện, cấp nước để chắc chắn rằng có sự giám sát của con người.
Để giữ tính minh bạch của các công nghệ AI, Smith đề xuất các nhà phát triển nên tạo ra một hệ thống có tên “Know Your Customer” để kiểm soát cách những công nghệ này được sử dụng và truyền đạt thông tin với công chúng như thế nào.
Brad Smith cho rằng cần có người chịu trách nhiệm về các nội dung AI được đăng tải. Ảnh: Shutterstock. |
Cách làm này sẽ giúp quy trình nhận dạng các nội dung sai sự thật trở nên dễ dàng hơn. Các công ty công nghệ như Adobe, Google, Microsoft cũng đang dần nghiên cứu để dán nhãn nội dung nhằm phân biệt nội dung AI.
Theo Ars Technica, deepfake là một chủ đề được Microsoft nghiên cứu trong suốt nhiều năm qua. Hồi tháng 9/2022, Giám đốc phòng khoa học Eric Horvitz đã đệ trình một bài báo nghiên cứu về nguy cơ của deepfake tương tác và sự xuất hiện của các cứ liệu lịch sử máy tạo. Đây là bằng chứng cho sự nỗ lực phát hiện và ngăn chặn deepfake dùng sai cách của Microsoft.
Cùng lúc đó, hãng công nghệ cũng đang liên tục đẩy mạnh tích hợp công nghệ AI tạo sinh dựa trên văn bản và hình ảnh vào các sản phẩm của mình như Office và Windows.
Sự ra mắt vội vã đối với chatbot Bing hồi tháng 2 đã nhận về nhiều phản ứng cả tích cực lẫn tiêu cực từ người dùng. Sự xuất hiện ngày một nhiều của các chatbot AI đã làm dấy lên lo ngại rằng tương lai trí tuệ nhân tạo xâm chiếm xã hội loài người không còn xa.
Nhân loại sẽ đối đầu với trí tuệ nhân tạo như thế nào
Trong cuốn sách "Framers - Nhân loại đối đầu nhân tạo", các tác giả nhận định con người vẫn có lợi thế trong thời đại công nghệ.