Chủ nhóm Telegram quảng cáo dịch vụ tạo ảnh khỏa thân, nạn nhân gồm cả trẻ vị thành niên. Ảnh: Xuân Sang. |
Gần đây, nghệ sĩ Việt Nam trở thành nạn nhân của deepfake. Một tài khoản Twitter đăng tải hình ảnh khỏa thân, được chỉnh sửa bằng AI của nhiều sao nam nổi tiếng. Chủ tài khoản còn sử dụng những ngôn từ dung tục, phản cảm khi mô tả hình ảnh.
Không chỉ người nổi tiếng, bất kỳ ai cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của deepfake. Thông qua ứng dụng nhắn tin ẩn danh, nhiều kẻ chào bán dịch vụ chỉnh sửa ảnh AI khỏa thân với giá rẻ.
Bằng số tiền nhỏ, một tấm ảnh "trần truồng" của người bất kỳ có thể được tạo ra từ nội dung đăng tải trên mạng xã hội. Kẻ gian có thể sử dụng những hình ảnh này cho mục đích xấu, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
25.000 đồng cho một tấm ảnh khỏa thân
Các công cụ dùng AI, deepfake để tạo ảnh khỏa thân hiện rất phổ biến, không được quản lý. Vì tính chất nhạy cảm, những người đứng sau website dạng này thường ẩn danh, hạn chế phương thức thanh toán. Bitcoin hay những loại “máy trộn” tiền số là kênh trả tiền dịch vụ chủ yếu.
Chỉ với 20.000-25.000 đồng, một bức ảnh khỏa thân của người bất kỳ có thể được tạo ra. Ảnh: Xuân Sang. |
Do đó, tại Việt Nam xuất hiện hình thức nhận tạo ảnh khỏa thân hộ. Trên ứng dụng nhắn tin Telegram có nhiều nhóm được lập ra để rao bán các dịch vụ này. “Chào mừng bạn tham gia Nhóm F****. Sau đây là giá dịch vụ của mình, bạn có thể tham khảo. Lột đồ 25.000 đồng/ảnh. Vào nhóm lột đồ showbiz, TikTok 20.000 đồng”, chủ kênh Telegram quảng cáo.
Những nhóm chat này còn cung cấp nhiều dịch vụ đồi trụy khác, bảng giá dao động 20.000-50.000 đồng.
Để quảng cáo, tăng uy tín cho dịch vụ của mình, chủ kênh này còn đăng tải hàng trăm tấm ảnh khỏa thân tạo từ AI của nhiều người khác nhau. Trong đó, đa phần là hình ảnh nữ giới, được “lột đồ” theo đơn đặt hàng. Nạn nhân của deepfake trong nhóm chat này phần lớn là người bình thường, không phải nhân vật nổi tiếng, ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Theo ghi nhận của phóng viên, các hình ảnh được yêu cầu chỉnh sửa là các ảnh đời thường, được đăng tải trên mạng xã hội. Tuy nhiên, qua xử lý của công cụ AI đồi trụy, bức hình bị thay đổi thành nội dung khỏa thân, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của các nạn nhân.
Hình ảnh đồi trụy, được tạo từ AI của hàng trăm cô gái đã bị phát tán. Ảnh: Xuân Sang. |
Với sự phát triển của AI, deepfake, những bức ảnh tạo ra từ công cụ này có độ chi tiết, chân thực cao. Công nghệ tái tạo các bộ phận, chi tiết, màu sắc với tỷ lệ hợp lý, như thật. Người bình thường khó nhận ra những tấm ảnh đồi trụy này đã qua chỉnh sửa.
Ngoài Telegram, những hội nhóm, tài khoản chuyên nhận tạo ảnh khỏa thân bằng AI, hoặc mua, bán ảnh đồi trụy deepfake còn xuất hiện trên Twitter. Đây vốn là những nền tảng không kiểm soát chặt các nội dung 18+.
Mặt khác, các công cụ tạo ảnh khỏa thân như D*****de, D****kebe... có thể dễ dàng được truy cập tại Việt Nam. Có trang còn hỗ trợ cả tiếng Việt, các bước tạo ảnh dễ dàng, chi phí dưới 10 USD/tháng.
Mối nguy hiện diện
Vấn nạn bị chỉnh sửa hình ảnh khỏa thân đã xuất hiện ở nhiều nước. Lauren Book, nhà lập pháp ở bang Florida, Mỹ phát hiện những bức ảnh bản thân đang để ngực trần bị phát tán trên mạng hồi tháng 11/2022. Có kẻ đã cố tình tạo ra những nội dung này để tống tiền, khủng bố bà Book.
Mối nguy từ deepfake đồi trụy đang lan rộng trên khắp thế giới. Ảnh: Sky. |
Sau sự vào cuộc của cảnh sát, kẻ phát tán những tấm ảnh đã bị bắt. Đáng nói, những nội dung deepfake của chính trị gia nói trên đã xuất hiện, được mua bán từ 3 năm trước.
Tiến sĩ Chris Pierson, Giám đốc Điều hành của công ty an ninh mạng BlackCloak, nói rằng sự xuất hiện của công nghệ mới đồng nghĩa với việc dữ liệu, tài sản kỹ thuật số và hình ảnh bị đánh cắp dễ dàng hơn. Ngoài ra, nguồn lực hiện tại không đủ để truy lùng những kẻ phạm tội hoặc xác định mức độ lan truyền của nội dung deepfake.
Tại Việt Nam, những hình ảnh đồi trụy từ AI có thể bị sử dụng với nhiều mục đích, gồm cả làm nhục hoặc gây áp lực để đòi nợ… Trả lời Zing, ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia bảo mật của chongluadao.vn, cho biết những ứng dụng đổi mặt hoặc “lột đồ” khá phổ biến, dễ dàng được tìm thấy trên Internet.
“Người dùng phát hiện mình bị giả mạo hình ảnh nên báo cáo cho cơ quan chức năng để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp”, ông Hiếu nói.
Ngoài ra, ông Hiếu khuyên người dùng nên cẩn trọng khi chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội. Vì những nội dung này có thể trở thành tài nguyên cho kẻ gian tạo ảnh đồi trụy, thông qua deepfake.
Theo công ty nghiên cứu Sensity AI, đến nay có từ 90-95% các video deepfake trực tuyến mang nội dung tình dục, giả mạo và không có sự đồng ý của nhân vật.
Trao đổi với Zing, luật sư Phan Kế Hiền (Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định các chủ thể khẳng định việc cắt ghép chỉ mang tính chất giải trí nhưng hành vi trên có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nghệ sĩ bị ghép mặt.
"Hiện nay, với sự phát triển của mạng xã hội, nội dung khi đăng tải cần được kiểm soát chặt chẽ và hành vi trên không được pháp luật cho phép. Theo đó, mỗi cá nhân có quyền đối với hình ảnh, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Những hình ảnh nhạy cảm trên không đảm bảo về chuẩn mực đạo đức, không phù hợp thuần phong, mỹ tục, xâm phạm đến các quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo vệ. Chính vì thế, hành vi trên cần được xử lý nghiêm và giải quyết triệt để nhằm giải quyết vấn nạn trên", luật sư cho biết.
Luật sư Phan Kế Hiền cho rằng cần xử lý nghiêm tình trạng ghép mặt nghệ sĩ vào hình khiêu dâm.
Luật sư nói thêm theo Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Đối với hành vi ghép ảnh người khác vào sản phẩm khiêu dâm khi chưa được đồng ý, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại về mặt dân sự hoặc có thể bị xử lý hình sự.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, người có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Khi đó, những chủ thể bị ghép vào hình ảnh khiêu dâm có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, buộc xin lỗi, cải chính công khai và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP), hành vi ghép ảnh người khác vào hình ảnh khiêu dâm có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu đủ những dấu hiệu cấu thành tội phạm, các chủ thể trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy được quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với hình phạt có thể lên đến 15 năm tù. Trường hợp khác, nếu không đủ cấu thành tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, người có hành vi ghép ảnh người khác vào hình ảnh khiêu dâm có thể bị xử lý về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt lên đến 5 năm tù.
Nếu hành vi trên nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt có thể lên đến 7 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
"Hiện nay, do việc xử lý vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập nên khi xảy ra vấn đề này, mọi người cũng như các nghệ sĩ thường chọn cách im lặng, yêu cầu gỡ hình ảnh chứ không khởi kiện hoặc có các biện pháp xử lý đối với những người đăng hình ảnh. Do đó, phải có những chế tài, mức xử phạt nghiêm chứ không nên chỉ dừng lại ở việc đính chính. Đồng thời, khi xảy ra vấn đề trên cần thu thập các bằng chứng và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật", luật sư cho biết.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.