Theo nguồn tin của Dealstreet Asia, Tiki và Sendo được cho là đã đạt thỏa thuận về việc sáp nhập. “Cuộc thảo luận nghiêm túc và các cổ đông đã thống nhất”, nguồn tin liên quan khẳng định.
Hai sàn thương mại điện tử của Việt Nam được cho là đang làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có cơ quan quản lý lĩnh vực chống độc quyền để đảm bảo sự chấp thuận cho thương vụ này.
Trong báo cáo thường niên 2019, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng cho biết đã tiếp nhận hồ sơ về tập trung kinh tế giữa Công ty Cổ phần công nghệ Sen Đỏ và Công ty Cổ phần Tiki.
Hiện các thỏa thuận chi tiết về thương vụ sáp nhập vẫn chưa được hé lộ. Tuy nhiên, nhiều khả năng cả hai thương hiệu Tiki và Sendo sẽ đều tiếp tục hoạt động riêng rẽ dưới một công ty chung.
Một nguồn tin liên quan đến thương vụ sáp nhập giữa Tiki và Sendo nói với Zing việc đàm phán bắt đầu xúc tiến từ tháng 6/2019 và dự kiến hoàn tất vào tháng 7 tới. Dự kiến trong thời gian đầu sau khi sáp nhập, mô hình kinh doanh của Tiki và Sendo là vẫn được duy trì độc lập.
Trong khi đó, đại diện Tiki nói với Zing không bình luận về thông tin sáp nhập.
Theo tài liệu đăng ký kinh doanh mà Dealstreet Asia có được, hai doanh nghiệp thương mại điện tử này không có nhà đầu tư chung. Tại Tiki, các cổ đông nước ngoài đang nắm giữ 49,7% cổ phần. Ở Sendo, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại là 63,1%.
Tiki và Sendo là những doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước còn trụ lại trong cuộc chiến giành thị phần tại Việt Nam. Hai nền tảng này luôn nằm trong 4 vị trí dẫn đầu thị trường về lượt truy cập website và người dùng ứng dụng cùng với Lazada và Shopee.
Đồ họa: Việt Đức. |
Hiện Tiki tập trung nhóm khách hàng sinh sống ở các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Trong khi đó, thương hiệu Sendo phổ biến hơn với người tiêu dùng ở khu vực ngoại ô và nông thôn. Nhóm khách hàng của Tiki cũng quan tâm hơn đến nguồn gốc hàng hóa so với Sendo.
Thương vụ sáp nhập giữa Tiki và Sendo nếu thành công sẽ giúp hai công ty nhanh chóng mở rộng thị trường và tập khách hàng của mình. Việc sáp nhập cũng sẽ giúp hai bên tiếp tục gọi vốn dễ dàng hơn.
Sendo gần đây vừa nhận đầu tư thêm 61 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C từ các nhà đầu tư cũ và một số quỹ mới bao gồm EV Growth của Indonesia và Kasikornbank của Thái Lan. Tổng cộng Sendo đã gọi vốn thành công hơn 130 triệu USD.
Trong khi đó, chi tiết về khoản đầu tư mới nhất vào Tiki do Northstar Group dẫn đầu không được tiết lộ. Trước đó, Tiki đã được rót gần 62 triệu USD từ nhiều nhà đầu tư bao gồm CyberAgent Capital, Sumitomo, JD.com, VNG, InnoVen Capital và một số quỹ của Hàn Quốc.
Theo báo cáo về nền kinh tế số Đông Nam Á của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 có giá trị khoảng 5 tỷ USD có thể tăng lên tới 23 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, thương mại điện tử hiện mới chỉ chiếm khoảng 4-5% giá trị toàn thị trường bán lẻ Việt Nam trong những năm gần đây.