Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có thể xử lý người đứng đầu nhà mạng nếu sai phạm về quản lý thuê bao

Bộ TTTT vừa chỉ đạo thanh tra diện rộng về quản lý thông tin thuê bao của các nhà mạng từ ngày 5/4, và sẽ đề xuất xử lý người đứng đầu nhà mạng nếu để sai phạm.

Đợt chuẩn hóa đang được thực hiện nhằm đảm bảo thông tin thuê bao đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ảnh: Ngô Minh.

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho thấy cách đây 3 năm, lượng SIM có thông tin không chính xác là 26 triệu, chiếm khoảng 1/4 thuê bao di động vào thời điểm đó.

Qua nhiều đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao và đối soát với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an, lượng SIM mà nhà mạng xác định phải chuẩn hóa do sai thông tin còn 3,84 triệu.

Sau khi nhà mạng thông báo cho người dùng về việc chuẩn hóa thông tin và sẽ khóa thuê bao sau ngày 31/3, lượng SIM chưa chuẩn hóa thông tin chỉ còn dưới 1,5 triệu.

Bộ TTTT đánh giá đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao lần này đã được các nhà mạng thực hiện nghiêm túc, được đông đảo người dân và giới truyền thông hưởng ứng để chung tay dẹp vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Tuy nhiên để tiếp tục xử lý triệt để, Bộ TTTT đã thực hiện bước thứ hai là thanh kiểm tra việc quản lý thông tin thuê bao di động. Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã ký công văn đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các sở TTTT thanh tra diện rộng việc quản lý thông tin thuê bao di động từ ngày 5/4-5/6.

Thanh tra nhà mạng để xử lý sai phạm

Theo công văn gửi đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ TTTT cho biết hoạt động mua bán SIM rác, sử dụng thuê bao không chính chủ vẫn diễn ra phổ biến.

Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đứng tên đăng ký sở hữu hàng nghìn SIM nhưng không rõ mục đích sử dụng, không phù hợp với nhu cầu thực tế hoặc so với số lượng nhân viên hiện có, dẫn đến tình trạng bùng phát cuộc gọi quấy rối, khủng bố đòi nợ, lừa đảo, bôi nhọ, xúc phạm gây mất trật tự, an toàn xã hội, nhiều người dân bị thiệt hại về tài sản.

Thanh tra SIM rac anh 1

SIM rác được mua tại cửa hàng bên ngoài. Ảnh: Duy Tín.

Để đợt thanh tra được hiệu quả, Bộ TTTT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở TTTT khẩn trương thành lập các đoàn thanh tra, triển khai thanh tra đồng bộ trên cả nước với chi nhánh của doanh nghiệp viễn thông tại địa phương, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng SIM điện thoại với số lượng lớn, có dấu hiệu bất thường.

Bộ yêu cầu thanh tra diện rộng hoạt động quản lý, đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên địa bàn quản lý của các sở; việc quản lý thông tin thuê bao của doanh nghiệp viễn thông tại địa phương cũng như các điểm cung cấp dịch vụ lớn có dấu hiệu vi phạm.

Các trung tâm, chi nhánh viễn thông cần cung cấp dữ liệu khách hàng đăng ký SIM với số lượng lớn. Các tổ chức đăng ký từ 50 SIM trở lên, cá nhân từ 20 SIM trở lên được coi là có dấu hiệu bất thường.

Bộ TTTT yêu cầu các sở TTTT mời tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng SIM số lượng lớn bất thường đến làm việc. Nếu chủ thuê bao không làm rõ được mục đích sử dụng hoặc các SIM đang ở đâu, tiến hành lập biên bản và yêu cầu doanh nghiệp viễn thông đình chỉ cung cấp dịch vụ.

Ngoài ra, doanh nghiệp viễn thông nhắn tin thông báo cho người sử dụng thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, chấm dứt cung cấp dịch vụ nếu chủ thuê bao không thực hiện.

Bộ TTTT cho biết sẽ đề xuất xử lý người đứng đầu nhà mạng nếu để sai phạm về quản lý thuê bao trong lần thanh tra, kiểm tra này. Đây là động thái mạnh mẽ của Bộ TTTT để quyết tâm dẹp vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Hàng loạt biện pháp cứng rắn

Đợt kiểm tra này là biện pháp mạnh để chuẩn hóa thông tin thuê bao từ số thuê bao có thể tra ngược thông tin cá nhân và ngược lại. Điều này giúp phát hiện và xử lý các tổ chức cá nhân sử dụng SIM cho các hành động vi phạm pháp luật và gây ra ảnh hưởng xấu đối với xã hội.

Thanh tra SIM rac anh 2

Khách hàng xác thực thông tin thuê bao tại một chi nhánh nhà mạng. Ảnh: Hoàng Nam.

Bước tiếp theo, Bộ TTTT sẽ xử lý vấn đề người sử dụng SIM không chính chủ. Bộ TTTT khẳng định những đối tượng thuê sinh viên và lao động tự do đứng tên đăng ký hàng loạt SIM rồi đem bán sẽ bị phát hiện và xử lý nghiêm.

Bản thân người được thuê đăng ký hàng loạt SIM cũng bị phát hiện và xử lý bởi những SIM này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bùng phát cuộc gọi quấy rối, khủng bố đòi nợ, lừa đảo, bôi nhọ, xúc phạm gây mất trật tự, an toàn xã hội, nhiều người dân bị thiệt hại về tài sản.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục Trưởng Cục Viễn thông, cho biết việc đăng ký và sử dụng SIM có thông tin cá nhân chính xác cũng là quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng. Thuê bao có thông tin chính xác sẽ giúp giao dịch trên môi trường số an toàn.

Những nhà khoa học tiên phong

"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.

Khóa hàng triệu thuê bao, vì sao vẫn còn SIM rác

Các đại lý SIM đăng ký sẵn thuê bao bằng thông tin người thật để đảm bảo SIM không chính chủ vẫn khớp thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không bị khóa sau 31/3.

160.000 SIM bị khóa đã được mở liên lạc trở lại

Tính tới hết ngày 3/4, đã có 160.000 thuê bao được mở liên lạc 2 chiều trở lại sau khi người dùng chuẩn hóa thông tin.

115.000 SIM bị khóa được mở liên lạc trở lại

Trong số 1,67 triệu thuê bao bị khóa sau ngày 1/4, đã có 115.000 thuê bao được mở trở lại sau khi người dùng cập nhật thông tin theo yêu cầu.

Phúc Thịnh

Bạn có thể quan tâm