Chiều 10/4, đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, đơn vị vừa đề xuất UBND TP HCM xây hồ dự trữ nước thô có dung tích 1,35 triệu m3 với diện tích 23 ha tại huyện Củ Chi, ngay trong giai đoạn 2016-2017. Cũng theo Sawaco, giải pháp này đã được áp dụng hiệu quả ở một số nước trên thế giới như Hà Lan, Nhật Bản...
Theo Sawaco, thành phố hiện chưa đủ nguồn nước thô và các công trình xử lý nước dự phòng. Do vậy, việc cấp bách xây hồ quy mô lớn sẽ đảm bảo cung cấp nước cho nhà máy Tân Hiệp hoạt động liên tục trong thời gian 1-3 ngày khi xảy ra tình trạng xâm nhập mặn và ô nhiễm trên sông Sài Gòn.
Hồ Dầu Tiếng vừa xả nước từ ngày 4 đến 13/4 giúp sông Sài Gòn đẩy mặn, cung cấp nước thô cho nhà máy nước Tân Hiệp. Ảnh: Phước Tuần. |
Về giải pháp xây hồ trữ nước thô, lãnh đạo Sawaco cho biết thêm, những nguồn nước được xác định cung cấp cho thành phố gồm: sông Đồng Nai điều tiết bởi hồ Trị An là 2,5 triệu m3/ngày; sông Sài Gòn điều tiết bởi hồ Dầu Tiếng, Phước Hòa 1 triệu m3/ngày; Kênh Đông, điều tiết bởi hồ Dầu Tiếng và Phước Hòa 0,5 triệu m3/ngày.
Theo ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, do biến đổi khí hậu, tình trạng nhiễm mặn trên sông Sài Gòn - Đồng Nai tăng cao, hoạt động cấp nước cho địa bàn TP HCM cũng gặp không ít khó khăn. Việc triều cường kéo dài đến tháng 2, 3 khiến nước mặn đi sâu vào các cửa sông.
Công ty khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa cũng cho biết đang xả nước đợt thứ 7 xuống sông Sài Gòn để đẩy mặn trong 10 ngày, từ 4 đến 13/4. Trong đó, lần xả cao điểm đến 40 m3/s từ ngày 6 đến 10/4, những ngày còn lại xả 20 m3/s.
Các số liệu quan trắc cho thấy, nước lấy từ sông Sài Gòn - Đồng Nai nhiều thời điểm độ mặn đo được lên đến 600 mg một lít, không đáp ứng quy chuẩn dưới 250 mg/lít để lấy nước.