Yonhap nhận định trong bối cảnh đàm phán hạt nhân bế tắc, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ muốn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Khu phi quân sự (DMZ) đang đặt ra một loạt câu hỏi về tính khả thi và lợi ích về mặt ngoại giao.
Tổng thống Trump đưa ra lời đề xuất trên Twitter vào sáng 29/6, chỉ vài giờ trước khi ông rời hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản để bay đến Hàn Quốc. Phản ứng trước động thái này, Triều Tiên miêu tả đây là lời đề nghị "rất thú vị", tuy nhiên chưa nhận được đề xuất chính thức từ phía Mỹ.
Bước đột phá mới tại DMZ?
Giới quan sát đánh giá đây là tín hiệu cho thấy ông Trump mong muốn tiếp tục đối thoại với ông Kim Jong Un, tạo ra động lực cần thiết để thúc đẩy đàm phán hạt nhân vốn lâm vào bế tắc.
Trong bài viết trên Twitter, tổng thống Mỹ viết: "Nếu Chủ tịch Kim của Triều Tiên thấy những dòng này, tôi sẽ gặp ông ấy tại biên giới/khu DMZ để bắt tay và nói xin chào!".
Sau đó, ông Trump nói với các phóng viên tại Nhật rằng ông đã "thử phản ứng" của ông Kim Jong Un.
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Singapore năm 2018. Ảnh: Reuters |
"Chúng tôi có vẻ đã hợp tác tốt đẹp. Thành thật mà nói, nếu tôi không trở thành tổng thống, bạn sẽ có chiến tranh với Triều Tiên ngay bây giờ. Tôi sẽ ở Hàn Quốc. Tôi đã cho ông ấy biết, và chúng tôi sẽ xem xét. Chúng tôi sẽ gặp nhau trong hai phút. Đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm. Nhưng sẽ ổn cả thôi", ông Trump nói thêm.
Tổng thống Mỹ thăm Hàn Quốc từ ngày 29-30/6 và có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Moon Jae In, nhằm thảo luận về cách thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên tại khu DMZ có trở thành hiện thực hay không vẫn còn là câu hỏi mở.
Con bài cho chiến dịch tranh cử 2020
Một số nhà quan sát cho rằng lời đề xuất của ông Trump có vẻ không thông minh vì thiếu thời gian chuẩn bị, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng hiện tại xung quanh các biện pháp trừng phạt và phi hạt nhân hóa.
"Triều Tiên và Mỹ đang bị cuốn vào cuộc chiến căng thẳng về việc nối lại đàm phán hạt nhân, và nếu bạn suy xét những chỉ trích gần đây của Triều Tiên về vai trò trung gian của Tổng thống Moon, có vẻ như Chủ tịch Kim sẽ không đến DMZ chỉ vì đề xuất của ông Trump", giáo sư Yang Moo Jin, Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, nói với Yonhap.
Tuy nhiên, với phong cách đối ngoại đôi khi không chính thống của ông Trump, đề xuất gặp gỡ tại khu DMZ có thể dẫn đến hội nghị thượng đỉnh phá vỡ khuôn mẫu thông thường. Nếu trở thành hiện thực, hội nghị sẽ thách thức niềm tin truyền thống rằng các cuộc đàm phán của tổng thống nên theo sau chuỗi thảo luận về chương trình nghị sự, địa điểm, thời gian, an ninh và nội dung của tuyên bố chung.
Tổng thống Trump khởi động chiến dịch tái tranh cử tại bang Florida hôm 19/6. Ảnh: Reuters. |
Giới quan sát nhận định trong bối cảnh ông Trump đang phải đối mặt với cuộc chiến tái tranh cử, hội nghị thượng đỉnh với ông Kim tại DMZ có thể giúp ông lấy lòng cử tri trong nước.
"Nếu hội nghị thượng đỉnh diễn ra, ông Trump có thể cố gắng tận dụng điều này nhằm cho người Mỹ thấy rằng ông đang đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý tình hình an ninh của bán đảo Triều Tiên, đồng thời thể hiện khả năng đưa ông Kim đến khu DMZ chỉ bằng một bài viết trên Twitter", ông Park Won Gon, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Toàn cầu Handong, nói.
"Trong suốt chiến dịch tái tranh cử, ông Trump có thể sẽ khoe khoang về khả năng gọi ông Kim ra và bắt tay với ông ấy bất cứ lúc nào. Ông Trump cũng sẽ nhắc đi nhắc lại rằng chính ông đang quản lý được Triều Tiên, và mối đe dọa của Triều Tiên đối với Mỹ đã tan biến", giáo sư Park nói thêm.
DMZ, đặc biệt là Khu vực an ninh chung (JSA), là địa điểm hoàn hảo để Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng nỗ lực của ông cho tiến trình hòa bình đã đạt được tiến bộ rõ rệt.
Theo hiệp định quân sự liên Triều năm 2018 nhằm giảm căng thẳng tại biên giới và xây dựng lòng tin, quân đội ở cả hai phía của Đường phân giới quân sự trong JSA không được vũ trang, đồng thời các loại vũ khí cũng được rút về.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng nhận thức được rằng nếu chuẩn bị quá vội vàng, hội nghị thượng đỉnh sẽ không mang lại kết quả rõ rệt nào ngoài cơn mưa chỉ trích.
Canh bạc cho ông Kim Jong Un
"Những động thái mang tính tượng trưng như vậy là cần thiết để vượt qua hàng thập kỷ mất lòng tin trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng chủ nghĩa biểu tượng là không đủ để xây dựng hòa bình. Hòa giải đòi hỏi nền tảng chính trị bền vững; trong trường hợp của Triều Tiên, điều đó có nghĩa là phi hạt nhân hóa và cải thiện nhân quyền", Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, nói.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore hồi tháng 6/2018. Ảnh: Straits Times. |
Đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại DMZ có thể khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên cân nhắc cẩn thận cả khả năng thành công và thất bại của tiến trình hòa bình.
Sau hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bình Nhưỡng hồi đầu tháng 6, ông Kim có thể sử dụng hội nghị thượng đỉnh tại DMZ với ông Trump để thể hiện cho người Triều Tiên thấy rằng lãnh đạo của hai cường quốc đang tìm cách lấy lòng ông bằng hội nghị thượng đỉnh. Đây là thành công về mặt ngoại giao mà chưa người tiền nhiệm nào của ông Kim đạt được.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nếu hội nghị thượng đỉnh lần này không đem lại kết quả trong bối cảnh Triều Tiên đang khao khát hỗ trợ kinh tế, ông Kim có thể lâm vào tình thế khó xử.
Trên hết, chìa khóa để tổ chức được hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba giữa Triều Tiên và Mỹ là tìm cách thu hẹp sự khác biệt trong đàm phán phi hạt nhân hóa.
Bất đồng mấu chốt hiện nay là mức độ phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng nhằm đổi lại việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt của Washington.
Trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội, ông Kim đã đề nghị dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân chính tại Yongbyon, nhưng Tổng thống Trump đưa ra yêu cầu cao hơn. Mỹ vốn coi tổ hợp này chỉ là một phần của chương trình hạt nhân đang phát triển của Triều Tiên.