Sáng 19/12, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”. Sự kiện thu hút hàng trăm doanh nhân thuộc nhiều lĩnh vực tham dự.
Diễn đàn nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động vào ngày 3/9.
Đề xuất thúc đẩy xây dựng các tập đoàn tư nhân
Tham luận tại diễn đàn, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân trong quá trình xây dựng đất nước. Ông cho rằng cùng với việc khuyến khích, tạo thuận lợi để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cần đẩy nhanh quá trình hình thành nhiều tập đoàn kinh tế.
Vị này dẫn ví dụ tại các nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… những doanh nghiệp lớn đóng vai trò đầu tàu trong việc phát triển kinh tế. Điển hình như sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản vào thập niên 60-80 của thế kỷ trước có sự đóng góp to lớn của các tập đoàn lớn như Sumitomo, Toyota, Honda, Mitsubishi...
GS Nguyễn Mại. Ảnh: B. L. |
Đánh giá thực tế Việt Nam, ông Mại cho rằng việc hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân khá đa dạng. Một số đi lên từ bất động sản, số khác khởi nghiệp bằng kinh doanh thương mại, mở các cửa hàng bán buôn, bán lẻ ở trong nước và xuất nhập khẩu.
Cũng không ít doanh nghiệp nhờ vào tích lũy vốn từ kinh doanh ở nước ngoài, chuyển về nước vào thời kỳ Nhà nước khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài chuyển kiều hối, đầu tư sản xuất, kinh doanh đã tăng trưởng rất nhanh.
Ông mong muốn Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển tập đoàn lớn trong nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, nghiên cứu và phát triển… Đội ngũ này giúp làm hạt nhân trong từng chuỗi cung ứng sản phẩm.
Các tập đoàn cũng cần được khuyến khích phát triển thành công ty đại chúng đa sở hữu nhằm giải bài toán tích lũy vốn và tạo lập nguồn lực để phát triển nhanh và hiệu quả cao. Ông khuyến nghị cần có chiến lược kinh doanh dài hạn, tầm nhìn toàn cầu, quản trị hiện đại và minh bạch, nhanh chóng mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Chính phủ phải là khách hàng lớn nhất
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, từ đó giúp các doanh nghiệp trong nước nhanh chóng lớn mạnh, bắt kịp xu thế quốc tế.
Ông đề xuất cần sớm ban hành các luật, khung pháp lý trong các lĩnh vực liên quan đến đổi mới, sáng tạo để khuyến khích, hỗ trợ cho sự phát triển ứng dụng công nghệ 4.0 và đặc biệt là tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Luật và các văn bản dưới luật cần phải đồng bộ, cụ thể, rõ ràng phù hợp cơ bản với thông lệ quốc tế, tạo sự bình đẳng về chính sách cho các loại hình doanh nghiệp (Nhà nước, tư nhân, nước ngoài tại Việt Nam); loại bỏ các văn bản dưới luật cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp phát triển.
|
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: BKTTW. |
Chủ tịch Ngân hàng Liên Việt cũng đề xuất cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp, tổ chức, địa phương được triển khai thử nghiệm công nghệ, giải pháp mới mà luật chưa ban hành hay chưa phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.
Chính phủ cần đầu tư thỏa đáng xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại là nền tảng của phát triển công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ; từng bước xây dựng Chính phủ số, đô thị thông minh, nền kinh tế số và công dân số.
“Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước, thành phố, địa phương phải là khách hàng lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam trong các dự án triển khai công nghệ 4.0, cung cấp dịch vụ công của chính phủ điện tử, triển khai các ứng dụng thành phố, đô thị thông minh”, ông này đề xuất.
Các doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân đã đem đến diễn đàn hơn 100 tham luận với nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm “hiến kế” với Đảng, Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế đất nước.
Phát biểu kết luận diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, khẳng định Đảng và Nhà nước luôn đồng hành, lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu các phản ánh khó khăn, vướng mắc và ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân về hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển lành mạnh.
Tất cả phản ánh, góp ý, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân cho thấy tinh thần doanh nghiệp, doanh nhân hết lòng vì Đảng, Nhà nước và phụng sự tổ quốc, nhân dân. Vị này nhấn mạnh Đảng và Nhà nước trân trọng lắng nghe các ý kiến góp ý, tiếp thu các đề xuất, sáng kiến hay của doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân để lãnh đạo, điều hành đất nước phát triển nhanh và bền vững.