Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa công bố dự thảo đề án khuyến khích, thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua phần vốn tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do CMSC là đại diện chủ sở hữu.
Đây là dự thảo được xây dựng dựa trên Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030,
Theo Ủy ban, sự tham gia của các cổ đông là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ giúp nâng cao hiệu quả thoái vốn và tăng giá trị bán vốn, thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, mở rộng thị trường, tăng cường tính minh bạch và công tác quản trị, tiếp cận nguồn vốn quốc tế lớn và chuyển giao công nghệ…
Chỉ 2 đơn vị có cổ đông chiến lược nước ngoài
Trong số 7 tập đoàn và tổng công ty do CMSC đại diện chủ sở hữu và đã hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, hiện chỉ có 2 doanh nghiệp có sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Trong khi Vinafor và Vinafood 2 có sự tham gia của cổ đông chiến lược trong nước (đều là Tập đoàn T&T). Có 3 doanh nghiệp còn lại bao gồm Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) không có sự tham gia của cổ đông chiến lược.
Vietnam Airlines là một trong số ít DNNN có cổ đông chiến lược nước ngoài. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bên cạnh đó cũng phải kể đến hoạt động thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) như bán cổ phần Vinamilk và Nhựa Bình Minh.
Vinachem có thoái vốn công ty phân bón Việt Nhật và Pin Hà Nội. PVN cổ phần hóa tại PV Oil, PV Power, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Hóa dầu Long Sơn...
CMSC cho biết các doanh nghiệp sau khi có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài phần lớn có diễn biến tốt hơn như Petrolimex tăng trưởng sau hợp tác với JX Nippon hay hình ảnh Vietnam Airlines được nâng cao sau khi hợp tác với Tập đoàn ANA, Tổng công ty bảo hiểm Bưu điện tăng mạnh doanh thu khi có sự tham gia của cổ đông chiến lược Dongbu...
Dù vậy cũng có một số trường hợp bán vốn không thành công, đơn cử như Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bị vướng mắc về ngành nghề và vấn đề nhà đất với Tập đoàn Jin Xin, việc tìm nhà đầu tư chiến lược tại EVN Genco 3 không thành công do chưa có hướng dẫn về quy chế đấu giá nhà đầu tư chiến lược và thời gian gấp.
Cần cơ chế cho cổ đông chiến lược
CMSC nhận định việc thoái vốn vẫn còn một số tồn tại như các trường hợp thoái vốn chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, một số trường hợp có nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhưng quá trình mua bán vốn vẫn không thành công.
Một số doanh nghiệp có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài nhưng với tỷ lệ sở hữu thấp, chủ yếu dưới vai trò nhà đầu tư tài chính nên không tham gia hoặc ít có ảnh hưởng trong công tác điều hành, chuyển giao công nghệ tiên tiến, không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Ngoài ra pháp luật về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mới chỉ tập trung vào quy định nghĩa vụ và trách nhiệm mà chưa quy định về những quyền lợi và cơ chế hoạt động cho nhà đầu tư.
Trên cơ sở đó, CMSC nêu các giải pháp cụ thể cho việc khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia làm cổ đông chiến lược.
Thứ nhất là sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật về điều chỉnh việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, bao gồm xác định mức giá chào bán, gia hạn thời gian bán cổ phần, cho phép áp dụng phương thức "dựng sổ"…
Tiếp đến là xây dựng quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài trong từng ngành nghề, đồng thời đẩy nhanh tiến độ áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS.
Giải quyết các vướng mắc kỹ thuật như đặt cọc, đồng tiền thanh toán, cấp mã giao dịch, định mức chi phí thuê tư vấn, cơ chế trao đổi thông tin.
Cuối cùng là xem xét các cơ chế ưu đãi đối với hình thức mua cổ phần tại các doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém và hoạt động không hiệu quả. Việc xây dựng cơ chế ưu đãi có thể xem xét vận dụng quy định về ưu đãi đầu tư tại Luật Đầu tư năm 2020.
Lộ trình bán vốn và cổ phần hóa
Tại dự thảo khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia dưới vai trò cổ đông chiến lược mua phần vốn tại các tập đoàn và tổng công ty lớn, CMSC đặt ra lộ trình cụ thể về công tác bán vốn trong 2 giai đoạn.
Giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật riêng cho hoạt động bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Cụ thể là xây dựng quy trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mua phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp nhà nước.
Xây dựng danh mục các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh hạn chế tiếp cận; danh mục các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh được phép tiếp cận, điều kiện tiếp cận, tỷ lệ cho phép nắm giữ vốn điều lệ đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Ban hành các chính sách ưu đãi, điều kiện ràng buộc đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mua phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Trên cơ sở danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn được phê duyệt giai đoạn 2021-2025, CMSC sẽ xem xét lựa chọn trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp để triển khai bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
Giai đoạn 2026-2030 sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa, bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài với vai trò là nhà đầu tư chiến lược trong từng thời kỳ (bao gồm danh mục doanh nghiệp, thời hạn bán vốn, tỷ lệ nắm giữ, các điều kiện chính đối với nhà đầu tư chiến lược).
Giai đoạn này cũng đồng thời thực hiện việc cổ phần hóa, bán vốn theo danh mục được phê duyệt và quy định pháp luật.