Chiều 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (điều 57).
Tài sản bất minh thuộc sở hữu của Nhà nước
Ngoài 2 phương án (đánh thuế thu nhập cá nhân và xử phạt hành chính) như dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp 5, cơ quan liên quan đề xuất thêm phương án 3. Cụ thể, tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc thì thuộc sở hữu của Nhà nước. Việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, thu nhập này do tòa án quyết định.
Khi kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm không có nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm đề nghị tòa án có thẩm quyền để xem xét, quyết định công nhận quyền sở hữu của Nhà nước. Điều kiện là người có nghĩa vụ kê khai đồng ý bằng văn bản với kết luận xác minh tài sản, thu nhập.
Tòa án xem xét, quyết định công nhận quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập này theo trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn |
Nếu người có nghĩa vụ kê khai không đồng ý với với kết luận xác minh thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khởi kiện vụ án dân sự. Qua đó, cơ quan này yêu cầu tòa án xem xét, quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước. Người có nghĩa vụ kê khai giải trình.
"Trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự, vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự, vụ án dân sự quy định tại khoản này", bà Lê Thị Nga cho hay.
'Tôi không đồng ý cả 3 phương án'
Cho ý kiến về nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định ông không đồng tình cả 3 phương án trên vì tất cả chưa hợp lý.
"Thế nào là thu nhập hợp lý, căn cứ nào? Luật phải rõ ràng, anh không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì nộp thuế thu nhập cá nhân, kèm theo phạt hành chính", ông Hiển nêu quan điểm.
Phó chủ tịch Quốc hội cũng phân tích việc cần phải xác định được tài sản chính xác, đầy đủ, rõ ràng. Việc này từ nay phải làm chặt chẽ, rõ ràng, thông qua hệ thống thuế.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển không tán thành với 3 phương án xử lý tài sản bất minh. Ảnh: Quochoi.vn |
Ông cũng nhấn mạnh việc tìm phương pháp để ngăn chặn, phòng ngừa, điều còn yếu trong dự thảo hiện nay. "Tất cả phương án đưa ra còn nhiều băn khoăn, tôi không đồng ý với cả 3 phương án này. Phương án của tôi là cứ có thu nhập thì thu thuế, kê khai. Thế còn hành vi tham nhũng thì tịch thu 100%", ông Hiển nói thêm.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng việc đưa ra tòa án là rất văn minh. Tuy nhiên, nếu quy định này 5 năm nữa có hiệu lực thì có khả năng kiểm soát được và việc thực hiện mới dễ dàng hơn. Khi đó, chúng ta đã thực hiện kiểm soát tài sản qua ngân hàng, còn như với hiện nay thì rất khó.
Bà Hải cũng cho rằng phương án truy thu qua thuế là khả thi nhất.
Chốt lại, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định đây là dự án luật rất quan trọng, Quốc hội đã thảo luận tại 2 kỳ họp, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm.
Dù các phương án có lý lẽ riêng, ông Lưu gút lại 2 phương án:
Thứ nhất phải giải quyết bằng tố tụng dân sự tại tòa. Tài sản, thu nhập tăng thêm bất minh phải qua tòa án để phán quyết theo trình tự tố tụng dân sự.
Thứ 2 là phương án thuế thì coi như khoản thu nhập tăng thêm, một cách đáng kể. Cơ quan kiểm soát không chứng minh được bất hợp pháp thì phải coi như hợp pháp thì phải đóng thuế, khi có dấu hiệu hình sự thì phải xử lý hình sự.
"Phương án nào cũng phải khẳng định, thống nhất, tài sản do tham nhũng mà có thì phải tịch thu. Có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật thì phải chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý. Sau khi, các cơ quan thống nhất rồi thì báo cáo Bộ Chính trị để quyết định", Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.