Trong dự thảo xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đang được Bộ Tư pháp hoàn thiện để trình lên Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Trong đó, đáng chú ý, cơ quan này đề xuất sửa đổi các quy định về giới hạn thời lượng quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo nhằm đảm bảo khả năng tự chủ tài chính của các đài truyền hình, nhưng cũng có sự kết hợp hài hòa giữa thời lượng của chương trình và của quảng cáo để đảm bảo lợi ích người xem.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, các đài truyền hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, theo đó, các cơ quan này phải đầu tư vào việc sản xuất các chương trình có chất lượng để thu hút quảng cáo, trong đó tập trung vào chương trình phim truyện chiếu tại giờ vàng.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quảng cáo, các đài lại phải hạn chế thời lượng quảng cáo trong ngày, cũng như tại các chương trình phim truyện tại giờ vàng khiến cho đài không thể tối đa hóa lợi nhuận từ quảng cáo, doanh thu từ quảng cáo sụt giảm.
"Trong khi đó, vì thời lượng quảng cáo hạn chế, nên các đài phải tăng giá quảng cáo khiến nhiều doanh nghiệp không chấp nhận sử dụng kênh quảng cáo này, đặc biệt trong bối cảnh số lượng người xem sụt giảm. Thay vào đó, các doanh nghiệp chọn các kênh quảng cáo có mức giá phải chăng hơn, khiến cho doanh thu của đài càng bị ảnh hưởng", Bộ này nêu thực trạng.
Theo Luật Quảng cáo 2012 quy định thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo.
Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 5 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 5 phút.
Bên cạnh đề xuất quy định về thời lượng quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất tăng cường trách nhiệm các chủ thể tham gia vào hoạt động quảng cáo, đặc biệt đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nhằm ngăn ngừa những quảng cáo không trung thực, quảng cáo sai sự thật trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Cơ quan này cũng cho biết hiện nay hoạt động quảng cáo trên Internet, mạng xã hội thông qua người nổi tiếng, người có ảnh hưởng chưa có sự kiểm soát của quy định pháp luật và của cơ quan quản lý nhà nước gây ra hiện tượng quảng cáo tràn lan, thiếu chính xác.
Thời gian dự kiến hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo trình Chính phủ vào tháng 10 và dự kiến thời gian trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo vào năm 2024.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế