Bộ GTVT vừa trình Chính phủ 2 phương án điều chỉnh mức phí sử dụng đường bộ. Một là tăng phí BOT; hai là Nhà nước bỏ ra hơn 5.000 tỷ từ ngân sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp BOT.
Theo lý giải của Bộ GTVT, các doanh nghiệp BOT báo cáo tình trạng doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, đặc biệt trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ đầu năm 2020, lưu lượng xe còn giảm mạnh do ảnh hưởng dịch Covid-19 và yêu cầu giãn cách xã hội.
Một nguyên nhân khác là do dự án chưa được tăng giá vé theo đúng lộ trình trong hợp đồng.
Ảnh hưởng hàng loạt nỗ lực của Chính phủ
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Ninh Bình, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách) chia sẻ với Zing, ông không đồng tình với đề xuất này, đặc biệt vào giai đoạn nhạy cảm như hiện nay.
Ông Phương cho rằng trong lúc khó khăn, phải có sự chia sẻ chung của tất cả thành phần trong xã hội, và đặc biệt, phải tính toán đến những vấn đề của nền kinh tế.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng tăng phí BOT lúc này dễ gây hiệu ứng tiêu cực trong xã hội. Ảnh: Lê Quân. |
Với các dự án giao thông đã đầu tư, đã làm BOT mà khó khăn do những nguyên nhân bất khả kháng, vị đại biểu Quốc hội này nhấn mạnh có nhiều cách điều chỉnh, trong đó có thể kéo dài thời gian thu phí, nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với Nhà nước.
“Trong điều kiện hiện nay, nếu doanh nghiệp BOT thực sự khó khăn thì Nhà nước có thể đàm phán để kéo thêm thời gian thu chứ không thể đẩy tăng giá. Mọi thứ đang hạ xuống để phục hồi nền kinh tế mà lại đẩy giá BOT lên là trái hoàn toàn với quy luật chung, ảnh hưởng tới hàng loạt nỗ lực của Chính phủ trong chính sách bình ổn nhằm phục hồi kinh tế”, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách phân tích.
Theo ông Phương, kiến nghị tăng thu phí BOT lúc này là rất phản cảm, trái với nỗ lực của cả hệ thống, của các cấp, các ngành đang tập trung chính sách cho kinh tế phục hồi. Đặc biệt, rất dễ gây hiệu ứng tiêu cực từ người dân và xã hội, bởi BOT vốn là vấn đề đã rất nhạy cảm.
Cũng giống như phương án đề xuất tăng giá vé, việc kiến nghị Nhà nước bỏ hơn 5.000 tỷ từ ngân sách “cứu” doanh nghiệp BOT, theo ông Phương, chắc chắn xã hội sẽ phản ứng, người dân khó đồng tình lúc này.
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Ninh Bình, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách). Ảnh: Hải Quân. |
Xét ở khía cạnh kinh doanh, đại biểu Phương cho rằng với các dự án BOT, nguyên tắc làm khi đấu thầu thực hiện dự án, làm thì phải có tính toán, “lời ăn, lỗ chịu”. Các doanh nghiệp cũng cần tính toán mọi yếu tố từ chi phí xây dựng cho đến quản lý, vận hành để đảm bảo hiệu quả, lấy lúc lãi bù lúc thua lỗ.
Riêng giai đoạn này, dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến doanh thu BOT do lưu lượng tham gia giao thông giảm, song theo ông Phương, hết dịch mật độ giao thông lại tăng lên, lưu lượng vận tải cũng phục hồi bình thường, BOT lại có nguồn thu chứ không có chuyện thu kém mãi. Vì thế, căn cứ tăng phí chưa thuyết phục.
Không thể nghe một chiều
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Văn Hoà cũng nhìn nhận dịch Covid-19 khiến tất cả lĩnh vực gặp khó khăn, cả doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và người lao động đều bị tác động nặng nề.
Để chia sẻ khó khăn đó, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ 62.000 tỷ cho những đối tượng bị ảnh hưởng, ngành thuế giảm trừ thuế cho doanh nghiệp, ngành điện cũng giảm giá, ngân hàng cung cấp chính sách giãn nợ…
Như vậy để thấy tất cả đang có sự chia sẻ, nỗ lực cùng nhau vượt qua khó khăn bằng những chính sách lớn và rất hữu ích.
Về các dự án BOT, ông Hòa cho rằng đây là lĩnh vực “luôn có mặc cảm”, dù vừa qua chỉ là có những “con sâu làm rầu nồi canh”, không phải tất cả doanh nghiệp BOT đều xấu, nhưng thực tế đã có những doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở trong chính sách của Nhà nước để trục lợi, đã bị phát hiện qua giám sát và kiến nghị xử lý.
Vì vậy, việc đề xuất tăng phí BOT vào thời điểm này cần được xem xét rất cụ thể, cẩn trọng.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hoà. Ảnh: Hải Quân. |
Riêng việc chi ngân sách hơn 5.000 tỷ theo đề xuất, ông Hòa cho rằng không phù hợp, không thể đồng tình, bởi đây là con số rất lớn trong khi ngân sách đang rất eo hẹp.
Việc doanh nghiệp BOT khó khăn do dịch Covid-19, ông Hòa cho rằng đây chỉ là vấn đề thời điểm, do giãn cách xã hội, xe không lưu thông được nên doanh nghiệp BOT mất doanh thu. Vì thế, Nhà nước có thể tính toán lộ trình tăng thời gian thu phí lên để bù vào mất mát của doanh nghiệp.
“Nhà nước cũng cần xem lại lộ trình tăng giá phí của doanh nghiệp theo phương án đã được duyệt một cách cặn kẽ để doanh nghiệp không bị thất thoát, thua lỗ. Nhà nước ký hợp đồng với doanh nghiệp thì phải có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp, nếu không, sẽ rất khó thu hút đầu tư cho những dự án khác, vì doanh nghiệp e ngại rằng dù Chính phủ bảo lãnh, quyền lợi của họ vẫn không được đảm bảo”, ông Hòa phân tích.
Nhưng lộ trình này, ông Hòa lưu ý phải tính toán vào thời điểm thích hợp để xã hội có thể chấp nhận được. Còn hiện nay rất khó khăn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là với các doanh nghiệp vận tải.
“Doanh nghiệp BOT cũng phải chia sẻ với Nhà nước và người dân vì không chỉ có họ bị ảnh hưởng”, ông Hòa nói.
Mặt khác, vị đại biểu đề nghị phải công khai, minh bạch trong vấn đề BOT. Nếu doanh nghiệp kêu lỗ, phải công khai lỗ thế nào, lưu lượng xe giảm bao nhiêu, doanh thu thực tế ra sao.
“Giờ hết giãn cách xã hội, xe lưu thông bình thường thì lấy cớ gì mà bảo lỗ. Mọi quyết định tăng phí hay bỏ tiền Nhà nước ra hỗ trợ lúc này cần cân nhắc thận trọng, đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Chúng ta không buông bỏ doanh nghiệp nhưng không thể nghe một chiều từ doanh nghiệp mà làm thiệt thòi cho Nhà nước và người dân”, Phó trưởng đoàn ĐBQH Đồng Tháp nhấn mạnh.
“Bảo lỗ thì căn cứ vào đâu?”
Cũng đề cập đến câu chuyện minh bạch, đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh, cho rằng đây là cốt lõi vấn đề khiến BOT dễ gặp phản ứng từ dư luận.
“Các doanh nghiệp BOT kêu lỗ, vậy cái gì chứng minh lỗ? Đây là câu chuyện minh bạch, trước đây doanh nghiệp thu nhiều, chúng tôi yêu cầu công khai doanh thu thì ông tìm mọi cách che giấu. Giờ bảo lỗ thì căn cứ vào đâu?”, ông Bộ đặt vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh. Ảnh: Hải Quân. |
Theo ông, nếu không công khai, minh bạch thì không thể đồng tình với phát ngôn một chiều “BOT bị lỗ”. “Cá nhân tôi là một công dân, tôi không tin việc đó”, ông nói.
Minh chứng cho câu chuyện thiếu minh bạch, vị đại biểu cho rằng chủ trương thu phí điện tử không dừng nhằm công khai con số doanh thu, lưu lượng xe, đã được Thủ tướng quán triệt, chỉ đạo từ lâu nhưng đến nay Bộ GTVT vẫn chưa làm được.
Chừng nào chưa minh bạch, vị đại biểu này cho rằng chừng đó khó chấp nhận việc tăng phí BOT.
“Câu chuyện BOT rất dễ khiến dân phản ứng, chưa kể có quá nhiều câu chuyện lùm xùm về lẽ công bằng trong thu phí, rất nhiều ĐBQH lên tiếng vẫn chưa chịu sửa, nên tôi cho rằng chưa có căn cứ tăng phí BOT; thậm chí, tôi nhận thấy doanh nghiệp chưa có sự chia sẻ với cộng đồng, xã hội”, vị đại biểu nêu quan điểm.