Trong công văn hỏa tốc vừa gửi Thủ tướng, Bộ GTVT cho biết các doanh nghiệp BOT báo cáo tình trạng doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, đặc biệt trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Một nguyên nhân cố hữu gây ra tình trạng trên là do dự án chưa được tăng giá vé theo đúng lộ trình trong hợp đồng, lại phải giảm giá vé cho một số phương tiện theo chỉ đạo của Thủ tướng để điều hành kinh tế vĩ mô.
Nhiều trạm thu phí phải dừng hoạt động gây ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà đầu tư. Ảnh minh họa: Minh Anh. |
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng phương tiện sử dụng tuyến đường địa phương để tránh trạm thu phí, hoặc có một số tuyến đường đầu tư mới chạy song song với tuyến hiện hữu (như dự án cầu Thái Hà, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Đắk Lắk...) cũng gây giảm doanh thu.
Từ đầu năm 2020, lưu lượng xe còn giảm mạnh do ảnh hưởng dịch Covid-19 và yêu cầu giãn cách xã hội.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ 2 phương án điều chỉnh mức phí sử dụng đường bộ của các dự án BOT.
Phương án 1 là cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án. Bộ GTVT sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến chi phí vận tải, đồng thời chỉ đạo các địa phương bố trí lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí khi cần thiết.
Phương án 2 là giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022. Đổi lại, Nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký. Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng để bố trí vốn. Bộ GTVT đàm phán với nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng.
Trên cơ sở phân tích cụ thể ưu, nhược điểm của các phương án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án 1 vì có nhiều ưu điểm hơn và không phải bố trí ngân sách Nhà nước.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần hỗ trợ, tái cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Đồng thời, ngân hàng giảm lãi vay phát sinh trong thời gian có dịch Covid-19.
Trường hợp cần thiết, Bộ GTVT kiến nghị Nhà nước trưng mua lại toàn bộ dự án có doanh thu thực tế giảm trên 50% so với doanh thu dự kiến trong phương án tài chính. Khi đó, Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng để cân đối kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Về lâu dài, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các địa phương trước khi đầu tư tuyến đường ảnh hưởng đến dự án BOT đã triển khai cần có sự thống nhất của Bộ GTVT và các nhà đầu tư BOT bị ảnh hưởng. Các địa phương phải quản lý chặt chẽ các tuyến đường địa phương hiện hữu để tránh ảnh hưởng đến doanh thu của các trạm thu phí.