Sáng 9/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng. Tại đây, các thành viên Hội đồng đã đưa ra nhiều nhận định và tư vấn các chính sách quan trọng để phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19.
Nhà nước phải là “người mua hàng lớn nhất”
Các thành viên Hội đồng nhận định tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Dịch bệnh chưa kết thúc trong năm nay mà có thể kéo dài trong thời gian tới.
Do vậy, có ý kiến cho rằng, gói chính sách phục hồi phát triển kinh tế phải mang tính dài hạn, cho cả năm 2021-2022, chứ không chỉ trong năm nay với tinh thần tiến công kinh tế trong khi phòng thủ dịch bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Một số thành viên khác kiến nghị so với các nước thì gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam là ít nhất, do đó cần tập trung vào gói này nhiều hơn. Ngoài ra, cần tăng quy mô các gói hỗ trợ, nhất là cho ngành hàng không, kích cầu nội địa (tập trung vào du lịch, bán lẻ, tín dụng tiêu dùng).
Theo TS Võ Trí Thành, phải thực hiện thật nhanh các gói hỗ trợ đã ban hành gồm gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tài chính hơn 180.000 tỷ đồng…
Còn TS Trần Du Lịch bày tỏ điều đáng sợ nhất hiện nay là dịch bệnh quay lại. Ông nhấn mạnh “nhìn các bãi biển đông người, sân bóng đá chật cứng khán giả là điều hạnh phúc”.
Tâm đắc với cách ví von của Thủ tướng, cỗ xe kinh tế như cỗ xe tam mã (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), ông Lịch nhìn nhận, việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, cần đẩy mạnh hơn. Các gói chính sách phải mang tính dài hạn bởi có dự báo một số ngành, lĩnh vực, nhất là ngành sử dụng nhiều lao động phải sang quý III mới “thấm đòn” do đứt gãy các hợp đồng.
Đồng quan điểm, chuyên gia Bùi Đức Thụ góp ý việc cứu trợ doanh nghiệp là việc cần làm, nhưng gia tăng sức sống cho doanh nghiệp không thể chỉ làm trong 1 năm. Ngoài cơ chế hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của Covid-19, cần có các chính sách hỗ trợ đặc biệt phục vụ tái cơ cấu doanh nghiệp mạnh hơn. Ông nhấn mạnh không chỉ tái cơ cấu thị trường đầu vào, đầu tư mà cả lao động, tăng sức chống chịu của nền kinh tế.
TS Trần Đình Thiên nhận định thực lực doanh nghiệp của chúng ta còn yếu, đặc biệt đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, ông cho rằng không chỉ cứu cái cũ mà còn cần tạo cái mới, tức là bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, cần thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.
Ông cũng tư vấn trong tình thế khó khăn này, cần tính tới các biện pháp xử lý nợ xấu. Ngoài ra, giải ngân đầu tư công phải ráo riết hơn. Trong bối cảnh này, Nhà nước phải là “người mua hàng lớn nhất” đối với các sản phẩm “made in Việt Nam”.
Tăng trưởng GDP khoảng 3-4%
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các ý kiến cho rằng xu hướng các nước là tiếp tục thực hiện giải pháp kích thích kinh tế, cả về tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, ông cũng đồng ý các ý kiến lưu ý về nguy cơ tiếp theo là khủng hoảng nợ công, khủng hoảng hệ thống tài chính, tiền tệ và nợ xấu có thể xảy ra. Nếu xảy ra thì cuộc khủng hoảng này sẽ tiếp tục đẩy thế giới lún sâu vào suy thoái nặng nề hơn.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng Việt Nam có cơ hội lớn trong phát triển, đó là sớm khống chế dịch bệnh, nền tảng vĩ mô ổn định, môi trường thuận lợi, nhờ đó, có thể thực hiện mục tiêu kép.
Thủ tướng cho biết Hội đồng thống nhất quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành thời gian tới, cần có quyết sách mới, chủ động hơn nữa, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh trở lại.
Nhiều ý kiến đề xuất cần tăng liều lượng và thời gian các gói hỗ trợ kinh tế. Ảnh: Lê Quân. |
Cần điều hành chủ động, linh hoạt hơn nữa các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ để đạt 2 mục tiêu: Kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đời sống; giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì niềm tin chỉ đạo điều hành.
Về kịch bản tăng trưởng, lạm phát, với bối cảnh hiện nay, Hội đồng thống nhất kịch bản tăng trưởng GDP khoảng 3-4%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Ngân hàng Nhà nước và các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương và các bộ liên quan được giao tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng theo từng quý, kể cả lạm phát.
Hội đồng đề xuất Chính phủ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nêu trong Chỉ thị 11, Nghị quyết 42, Nghị quyết 84 của Chính phủ để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đây là những biện pháp đúng, trúng nhưng chưa được triển khai đến nơi đến chốn.
Thứ hai, nghiên cứu dài hơi hơn từ nay đến năm 2021 để xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ kích thích kinh tế. Cần xác định những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và các ngành, lĩnh vực ngắn hạn, trung hạn.
Mục tiêu cụ thể là năm 2020 và đầu 2021, tăng trưởng tín dụng trên 10%, chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3-4% GDP để có thêm nguồn lực. Thủ tướng nhấn mạnh cần chuẩn bị sẵn sàng để có thể hỗ trợ doanh nghiệp, kiên quyết bảo vệ hệ thống doanh nghiệp, không để đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu.
Ngân hàng tiếp tục xem xét giảm lãi suất. Ngành tài chính tiếp tục xem xét giảm, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí. Các bộ, các ngành, các địa phương quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, tập trung kích cầu nội địa.