Cung cấp phiếu mua sắm, voucher là một trong những giải pháp được đề xuất để kích cầu tiêu dùng trong nước. Ảnh: Phương Lâm. |
Chia sẻ tại cuộc gặp của Thường trực Chính phủ với các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam sáng 4/10, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce (thuộc Tập đoàn Masan) đánh giá Việt Nam đang sở hữu tiềm năng rất lớn để phát triển ngành bán lẻ.
Mong muốn tham gia vào các giải pháp chiến lược
Bà Phương cho biết thị trường bán lẻ Việt Nam liên tục tăng trưởng khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là điểm sáng trong tăng trưởng chung của cả nền kinh tế và góp phần thúc đẩy đà tăng trưởng của ngành bán lẻ Việt Nam. Hiện thị trường bán lẻ của Việt Nam đã đạt trị giá 180 tỷ USD.
Là doanh nghiệp sở hữu chuỗi bán lẻ với quy mô gần 4.000 cửa hàng và siêu thị tại 62 tỉnh/thành phố, lãnh đạo WinCommerce cho biết các chính sách, chủ trương và hành động của Chính phủ đã và đang tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho ngành bán lẻ nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Đặc biệt là mạng lưới đường cao tốc sớm hoàn thiện và đi vào hoạt động, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa quy trình vận chuyển, giảm chi phí logistics và nâng cao tính cạnh tranh.
Tuy nhiên, bà Phương cho biết thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang gặp một số thách thức đáng kể, trong đó có áp lực lớn về thị phần trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự gia tăng cạnh tranh từ các chuỗi bán lẻ FDI và mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bà Nguyễn Thị Phương, Tổng giám đốc WinCommerce. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Hiện thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn mang tiềm năng phát triển rất lớn với quy mô dân số hơn 93,7 triệu người, cơ cấu dân số trẻ (60% ở độ tuổi 18-50); dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, tỷ lệ bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều các nước trong khu vực.
"Mong các bộ, ban ngành liên quan sớm hướng dẫn tổ chức triển khai cụ thể và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào các giải pháp chiến lược để đạt được mục tiêu chung như phát triển thương mại hiện đại, tăng trưởng bền vững, tạo tiền đề vững chắc tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới", Tổng giám đốc WinCommerce đề xuất.
Đề xuất cấp voucher cho người dân mua sắm
Cũng tại cuộc gặp mặt, Phó chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC Huỳnh Bích Ngọc cho biết sự lãnh đạo quyết đoán và tầm nhìn chiến lược của Thủ tướng cùng các cấp chính quyền, với các chính sách kịp thời và hiệu quả đã giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng Việt Nam dù bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy hơn nữa lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế và tạo thặng dư, đóng góp hiệu quả cho ngân sách Nhà nước, bà Ngọc kiến nghị cần có những chính sách kích cầu tiêu dùng.
Bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC kiến nghị có thêm chính sách "kích cầu tiêu dùng". Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Dẫn ví dụ tại một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines lựa chọn chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân tiêu dùng, hoặc Singapore cung cấp phiếu mua sắm với các chương trình hỗ trợ tài chính tương tự. Bà Ngọc đề xuất xem xét việc cung cấp phiếu mua sắm - voucher đến người dân, sử dụng trong thời hạn nhất định.
Đối với Việt Nam, nên chăng xem xét việc cung cấp phiếu mua sắm - voucher đến người dân, sử dụng trong thời hạn nhất định
Phó chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC Huỳnh Bích Ngọc
Những voucher này sẽ tập trung cân đối được những mặt hàng cần kích cầu và nhu cầu thực tế của người dân. Như vậy, hàng hóa, dịch vụ được lưu thông, Nhà nước thu được ngân sách, hệ sinh thái logistic và các dịch vụ đi kèm được phát triển…
Ngoài ra, biện pháp này cũng như một giải pháp thêm vào các chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân, vì bản thân phiếu voucher chính là cách giảm thuế thu nhập cá nhân.
Lãnh đạo Tập đoàn TTC cũng cho biết hiện Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có những điều khoản cần xem lại như việc xác định chủ thể quản lý tài sản đảm bảo là bất động sản trong phát hành trái phiếu, do ngân hàng thương mại không còn được phép thực hiện vai trò này.
Trong khi Luật Đất đai cho phép tổ chức kinh tế nhận thế chấp, nhưng lại chưa có hướng dẫn thi hành, dẫn tới việc huy động trái phiếu có tài sản đảm bảo là bất động sản gặp khó trong việc xác định chủ thể nhận thế chấp.
Do đó, bà Ngọc kiến nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện phát triển thị trường vốn, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả cho doanh nghiệp. Đồng thời đề xuất Chính phủ tạo cơ chế khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân niêm yết các loại hình hàng hóa mới trên thị trường chứng khoán để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài dài hạn.
Ngoài ra, để đạt được mục tiêu kinh tế xanh, tài chính xanh, cần có chính sách khuyến khích việc phát triển chỉ số ETF chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp đạt được những tiêu chuẩn ESG quốc tế, vừa để nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lựa chọn cơ hội đầu tư - gia tăng hấp thụ nguồn vốn ngoại cho thị trường vốn Việt Nam. Giải pháp này đồng thời khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo chuẩn ESG quốc tế hướng đến bền vững.
Đề xuất chính sách đất đai phù hợp cho bệnh viện tư
Kiến nghị tại buổi gặp, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết đến cuối tháng 9, cả nước đã có 372 bệnh viện tư nhân trong tổng số 1.527 bệnh viện được cấp giấy phép hoạt động, chiếm gần 24% so với bệnh viện công lập.
Trong đó, nhiều bệnh viện đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, tăng quy mô giường bệnh, áp dụng nhiều kỹ thuật cao, công nghệ mới trong điều trị. Nhiều kỹ thuật cao trước đây chỉ làm được ở các bệnh viện nước ngoài, bệnh viện tuyến cuối hay bệnh viện công lập thì nay đã được thực hiện thường quy ở nhiều bệnh viện tư nhân.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Tuy vậy, theo ông Đệ, hiện tỷ lệ giường bệnh tư nhân mới đạt khoảng 8% tổng số giường bệnh cả nước, trong khi mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW là tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030.
Do vậy, để đạt mục tiêu đặt ra, Chủ tịch Hiệp hội đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ, ban, ngành và địa phương rà soát, hoàn thiện ban hành các chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực y tế mang tính đồng bộ. Trong đó, với các dự án đầu tư bệnh viện tư nhân thống nhất chỉ nên áp dụng thực hiện theo Nghị định 69/2008, Nghị định số 59/2014 thuộc đối tượng được Nhà nước thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê không thu tiền sử dụng đất trong suốt thời gian thực hiện dự án.
Đồng thời, đề xuất các dự án bệnh viện tư nhân không phải thực hiện trình tự đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất, đảm bảo công bằng như dự án bệnh viện công lập.
Ông Nguyễn Văn Đệ cũng đề xuất tiếp tục phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố chủ động lựa chọn, chỉ định nhà đầu tư có đủ năng lực, uy tín, trách nhiệm để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở y tế trên địa bàn, góp phần giảm gánh nặng ngân sách, nâng số lượng bệnh viện và giường bệnh trong cả nước.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.