Chiều nay (27/9), Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng liên quan đề nghị tạm dừng thi công dự án đường ven sông, đoạn đi qua khu vực biệt thự 100 tuổi của ông Võ Hà Thanh.
Phía trước biệt thự 100 tuổi được đơn vị triển khai thi công. Ảnh: Hoàng Anh. |
Theo đó, qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng ghi nhận đơn vị thi công đang triển khai các hoạt động xây dựng tại khu vực này. Do đó, Sở Xây dựng đề nghị Ban Quản lý dự án và UBND TP Biên Hòa chỉ đạo các đơn vị có liên quan tạm ngưng thi công đối với đoạn tuyến đi qua khu vực biệt thự cổ, đồng thời giữ nguyên hiện trạng và rào chắn khu vực này.
Biệt thự cổ ở Đồng Nai đang được Sở Xây dựng đề xuất 4 phương án giữ lại. Ảnh: Hoàng Anh. |
Sở Xây dựng cũng đề xuất 4 phương án giữ lại công trình này.
Theo phương án đầu tiên, biệt thự cổ sẽ được di dời lùi vào trong. Nhà nước sẽ tài trợ kinh phí để thuê các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, với phương án này, phần đất phía sau biệt thự cổ chỉ còn chiều sâu 6 m.
Do đó, phải thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng của hộ dân phía sau, thời gian sẽ kéo dài theo việc điều chỉnh quy hoạch thu hồi thêm đất.
Phương án hai, là nắn lại tuyến đường ven sông để bảo tồn biệt thự cổ. Theo Sở Xây dựng, hiện tại đường ven sông đã lấn vào biệt thự khoảng 12,7 m và từ kè sông đến vỉa hè là 14,7 m. Tuy nhiên, với khoảng cách còn lại từ mép kè đến mép hiên biệt thự, hoàn toàn có thể điều chỉnh hướng tuyến để tránh ảnh hưởng đến công trình lịch sử này mà vẫn đảm bảo lòng đường rộng 24 m như quy hoạch ban đầu.
Với đoạn đường chưa thi công dài 650 m, việc nắn tuyến sẽ được thực hiện một cách mềm mại, tránh tạo ra các khúc cua gấp hoặc đoạn đường quá hẹp. Cụ thể, phương án này sẽ giảm chiều rộng vỉa hè hai bên từ 5 m xuống còn 4 m. Phần diện tích thu được sẽ tạo khoảng cách an toàn giữa biệt thự và đường đi, đồng thời phần đất thừa ra sẽ được quy hoạch thành công viên và bãi xe.
Sở Xây dựng cũng để xuất phương án tối ưu nhất là nắn tuyến đường. Ảnh: Hoàng Anh. |
Phương án 3, đề xuất tạo một quảng trường vòng xoay bao quanh biệt thự cổ, biến nơi đây thành một bảo tàng gốm sứ (với điều kiện Nhà nước trưng dụng toàn bộ biệt thự cổ và cải tạo thành bảo tàng).
Để thực hiện phương án này, tuyến đường ven sông sẽ được chia thành hai nhánh, tạo nên một khuôn viên rộng mở cho bảo tàng. Một nhánh sẽ hướng ra bờ sông Đồng Nai, nhánh còn lại sẽ ôm lấy biệt thự cổ. Sau đó, hai nhánh này sẽ hợp lại, tiếp tục theo tuyến đường đã được phê duyệt.
Với thiết kế này, mỗi nhánh đường sẽ có lộ giới khoảng 17 m và đoạn đường chia nhánh sẽ dài khoảng 220 m. Dải đất rộng 16m dọc theo bờ sông sẽ được dành để xây dựng công viên xanh, bổ sung thêm mảng xanh cho khu vực quảng trường.
Tuy nhiên, việc thực hiện phương án này sẽ yêu cầu thu hồi thêm 3.000 m2 đất và đòi hỏi phải điều chỉnh thiết kế tuyến đường.
Phương án 4, xây dựng một con đường ven sông ở độ cao khác so với khu vực xung quanh, tạo thành một hòn đảo nhỏ có công viên và bảo tàng gốm sứ bao quanh các biệt thự cổ. Con đường này sẽ dài khoảng 600-700 m, rộng 24 m, và đủ cao để tàu thuyền qua lại được.
Tuy nhiên, phương án này sẽ phải thu hồi thêm đất và tốn khoảng 200 tỷ đồng để xây dựng cầu vượt và các công trình khác.
Nhiều người mong muốn giữ lại biệt thự 100 tuổi. Ảnh: Hoàng Anh. |
Trong các phương án được ra, Sở đề xuất UBND tỉnh xem xét và lựa chọn phương án 2. Phương án này được đánh giá là tối ưu nhất, vừa đáp ứng mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa bằng cách giữ nguyên vị trí của biệt thự cổ, vừa không gây ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ chung của dự án đường ven sông Đồng Nai.
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.