Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất mô hình thành phố toàn cầu cho TP HCM

"Chúng ta hình dung TP 5 năm sau là gì? Đó là trung tâm thu hút tất cả doanh nghiệp, là nơi đại diện các tập đoàn đa quốc gia", Chủ tịch quận 12 Lê Trương Hải Hiếu giải thích.

Tại 20 tổ thảo luận ngày 15/10, các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ TP HCM tập trung vào nhiều vấn đề trong báo cáo chính trị và dự thảo Nghị quyết Đại hội. Đó là đánh giá những thành công trong nhiệm kỳ qua, phân tích hạn chế yếu kém, mục tiêu phát triển TP trong 5 năm tới, các hướng đi mới...

Ông Phạm Thành Kiên, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, điều quan tâm nhất là mục tiêu xây dựng TP HCM có chất lượng sống tốt, đây là điểm mới. Chất lượng sống tốt chính là cơ sở và điều kiện để xây dựng TP văn minh - hiện đại - nghĩa tình. 

Nhưng muốn xây dựng TP đáng sống, trước hết chính quyền phải cải thiện môi trường đô thị xanh sạch đẹp. Thời gian tới cần trồng nhiều cây xanh, tránh tình trạng chặt cây như Hà Nội.

Ông Lê Trương Hải Hiếu.

"Ngoài ra, TP cần loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà. Hiện, nhiều thủ tục gây phiền hà, nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ. Quan trọng là ý thức, tinh thần cán bộ công chức", ông nói.

Vẫn vấn đề thủ tục hành chính, ông Lê Trương Hải Hiếu - Chủ tịch UBND quận 12 cho rằng, TP đã cải cách nhiều nhưng vẫn còn vướng mắc ở khâu liên thông dữ liệu của các đơn vị. 

"Sở TT-TT có giải pháp cục bộ nhưng các đơn vị lấy lý do cản trở ngành dọc nên không liên thông được, bây giờ thuế, kho bạc, tài chính, tài nguyên môi trường… không lưu thông với nhau, gây khó khăn, mất thời gian cho doanh nghiệp và người dân", ông Hiếu nói.

Tháng 8/2015, ông Lê Trương Hải Hiếu, 34 tuổi, trở thành Chủ tịch quận kiêm Phó bí thư Quận ủy quận 12 và lãnh đạo quận huyện trẻ nhất TP HCM.

Trước khi là Chủ tịch UBND quận 12, ông Hiếu có thời gian 8 năm liên tiếp công tác tại quận 1, kinh qua các chức danh Bí thư Quận đoàn 1, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Bến Thành, Phó chủ tịch rồi Phó bí thư thường trực quận 1.  

Trong thời gian này, ông Hiếu được đánh giá là cán bộ năng lực, có phong thái trẻ trung gần gũi và đóng góp nhiều cải tiến, sáng kiến trong công tác phục vụ người dân.

Ngoài ra, ông cho biết, dự thảo báo cáo chính trị cho thấy TP là đầu tàu kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Điều đó chứng minh sau 40 năm giải phóng TP đã đi đầu. 

Tuy nhiên, theo ông, hiện TP chưa có mô hình phát triển trong nhiều năm tới, chưa hình dung được sẽ đi đâu. "40 năm TP đã đi đầu, nhưng 40 năm sau chúng ta đi đâu?", ông đặt câu hỏi. 

Qua thực tiễn công tác và nghiên cứu, Chủ tịch quận 12 đề xuất mô hình TP toàn cầu có thể áp dụng cho TP HCM.

"Chúng ta hình dung TP 5 năm sau là gì? Đó là trung tâm thu hút tất cả doanh nghiệp, là nơi đại diện các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, để thu hút các doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia thì việc đầu tiên vẫn là quy trình thủ tục hành chính thuận tiện, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp vì đây là rào cản rất lớn", ông Hiếu nói.

Chính sách có nhiều sơ hở nên dễ nảy sinh tiêu cực

Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng nhận xét: "Có vẻ xu hướng xây dựng cơ chế chính sách hiện nay hướng đến tập quyền về bộ ngành Trung ương, từ đó phát sinh chuyện xin - cho".

 Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng (giữa) trao đổi với các đại biểu bên lề Đại hội.

Theo bà Hồng, TP HCM không xây dựng cơ chế chính sách, mà chỉ triển khai thực hiện. Địa phương đề ra chương trình đột phá là cải cách hành chính nhưng "cải hoài mà chưa được". Một trong những nguyên nhân là vướng quy định của cấp trên. 

Do đó, muốn cải cách hành chính thành công thì phải cải cách từ trên xuống. "Việc này phải khẳng định rõ ràng. Địa phương làm sao cải cách hành chính được khi cấp trên đã quy định như vậy. Mà chính sách ở trên đặt ra có nhiều sơ hở nên cán bộ địa phương mới có thể lợi dụng mà nhũng nhiễu, tiêu cực”, bà Hồng thẳng thắn.

Liên hệ từ câu chuyện TP HCM nhiều lần phải kiến nghị xin cơ chế đặc thù, đại biểu Lương Minh Phúc nói: "Nếu xây dựng chính sách mà ai muốn làm cái gì cũng phải xin cơ chế đặc biệt thì cần xem lại các các quy định đó có phù hợp hay chưa". 

Theo ông Phúc, theo quy luật phát triển, lẽ ra cần phân quyền mạnh hơn cho địa phương thì chúng ta lại có xu hướng gom về bộ ngành trung ương, vấn đề này cần phải xem lại. 

Theo ông Võ Văn Luận, Chánh Văn phòng UBND TP HCM, TP sẽ xây dựng thí điểm đặc khu kinh tế. 

Đặc khu trải rộng trên 4 quận huyện gồm quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ và một phần Bình Chánh với tổng diện tích gần 890 km2.

Hiện đề án này được đề nghị đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM để thực hiện trong thời gian tới. "Nếu không đưa vào Nghị quyết thì khó thực hiện", ông nói.

Những câu hỏi của Phó bí thư Thành ủy TP HCM

Nhiều nguồn lực, tiềm năng, cơ hội nhưng sao TP HCM phát triển chưa như kỳ vọng. Những câu hỏi "Tại sao?" liên tục được nêu ra và tiếp đó là "Làm gì?" và "Như thế nào?".

Võ Thuận - Quang Hiếu

Bạn có thể quan tâm