Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất UBND TP giao Trung tâm Quản lý Đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư dự án thu phí ôtô lưu thông vào trung tâm.
Mục tiêu của dự án nhằm góp phần kéo giảm ùn tắc khu vực trung tâm, thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, giảm ô nhiễm môi trường và bổ sung nguồn ngân sách bảo trì đường bộ, phát triển giao thông công cộng.
Vành đai thu phí xe vào trung tâm TP.HCM. Đồ họa: Minh Trí. |
Theo đó, cơ quan chức năng sẽ thu phí ôtô đi vào trung tâm gồm quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10 bằng hệ thống 34 cổng thu phí đa làn không dừng. Dự án còn xây dựng một trung tâm điều hành có nhiệm vụ kết nối các cổng thu phí, xử lý thông tin và điều hành, quản lý hoạt động thu phí.
Sở GTVT đề xuất vành đai thu phí được giới hạn bởi các tuyến đường từ Hoàng Sa dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao Cách Mạng Tháng 8, Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt và kết thúc ở đường Tôn Đức Thắng.
Để hiện thực hóa mục tiêu thu phí ôtô vào trung tâm, Sở GTVT dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 250 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP thực hiện trong giai đoạn 2019-2021.
Kẹt xe đang là nỗi ám ảnh của người dân Sài Gòn. Ảnh: Lê Quân. |
Trước đó vào ngày 14/6, Hội đồng tư vấn về giao thông đô thị của TP đã họp lần 2 để lấy ý kiến các thành viên về dự án thu phí xe ôtô lưu thông vào trung tâm TP để hạn chế ùn tắc giao thông.
Các thành viên dự họp cơ bản thống nhất và ủng hộ chủ trương thực hiện dự án khi chỉ thu phí đối với ôtô lưu thông vào trung tâm (chưa thu môtô, xe máy). Đồng thời, hội đồng đề xuất thực hiện dự án theo hình thức đầu tư công. Theo đó, TP giao một đơn vị công lập làm chủ đầu tư, quản lý theo quy định, sau khi thực hiện xong sẽ tổ chức đấu thầu thuê đơn vị vận hành, khai thác và nguồn thu nộp về ngân sách.
Chủ trương được đưa ra cách đây 10 năm khi UBND TP chấp thuận cho Công ty CP Công nghệ Tiên Phong tổ chức nghiên cứu đầu tư dự án lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát và thu phí tự động đối với ôtô ra vào khu trung tâm nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện.
Lần gần nhất mà Công ty Công nghệ Tiên phong đề xuất là vào năm 2017 nhưng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân và giới chuyên gia. Theo đề xuất, mức thu phí từ 40.000-60.000 đồng/lượt xe, không thu phí đối với xe buýt và xe công vụ, chỉ thu chiều xe vào và không thu chiều ra.