UBND TP.HCM đã đồng ý chủ trương cho phép nghiên cứu lập đề xuất dự án thu phí ôtô lưu thông vào trung tâm thành phố. Theo đó, mục tiêu của đề án này để giảm ùn tắc giao thông.
Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong là đơn vị được phép tự cân đối kinh phí để tiếp tục nghiên cứu đề án.
Theo đề án, giai đoạn đầu, đơn vị sẽ bắt đầu xây dựng 36 cổng thu phí không dừng trên một vành đai khép kín khu vực trung tâm TP.HCM vào năm 2019. Tổng mức đầu tư dự án khoảng gần 1.800 tỷ đồng thực hiện theo hình thức PPP.
TP.HCM kỳ vọng việc thu phí phương tiện vào nội đô sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Lê Quân. |
Thời gian thu phí sẽ tiến hành từ 6-19h hàng ngày. Đối với ôtô cá nhân khi vào nội đô sẽ phải đóng 40.000 đồng/lượt; xe taxi 30.000 đồng/lượt; xe tải, xe buýt thương mại 50.000 đồng/lượt.
Tình hình ùn tắc sẽ xấu đi?
Chiều 18/10, trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia JICA, giảng viên trường Đại học Việt - Nhật cho rằng việc hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô được rất nhiều nước thực hiện thành công.
Tại TP.HCM, nếu đề án được thông qua, khi thu phí, người dân sẽ cân nhắc tìm cách giảm số chuyến đi bằng ôtô vào trung tâm thành phố. Phương tiện thay thế chủ yếu mà người ta nghĩ đến sẽ là phương tiện công cộng hoặc xe máy.
Nếu phương tiện công cộng không đủ tốt, người dân sẽ duy trì đi xe máy. Bản thân xe máy là một phương tiện giao thông rất cơ động, có nhiều ưu điểm. Nhưng, tính cơ động đó góp phần thúc đẩy tính sự vô kỷ luật của người điều khiển. Việc cấm ôtô sẽ làm cho tình hình xấu đi.
Tiến sĩ Phan Lê Bình lo ngại việc hạn chế ôtô sẽ khiến người dân chuyển sang đi xe máy. Mục tiêu giảm ùn tắc khó thực hiện được. Ảnh: Văn Chương. |
Theo tiến sĩ Bình, muốn tránh điều đó, cần phải có định hướng đẩy mạnh giao thông công cộng. Nhưng hiện nay, phương tiện công cộng ở TP.HCM chưa tốt, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Vị này đặt câu hỏi số tiền thu được từ phí nội đô sẽ được sử dụng vào đâu. Nếu chúng không được đầu tư cho hạ tầng giao thông và dịch vụ giao thông công cộng chắc chắn sẽ khiến người dân bức xúc.
Tiến sĩ Phan Lê Bình khẳng định việc hạn chế phương tiện cá nhân không dễ. Nhiều nước trên thế giới đã làm nhưng mức độ thành công hạn chế.
Ở Jakarta (Indonesia), người ta áp dụng quy định giờ cao điểm buổi sáng chỉ những chiếc ôtô chở trên 3 người mới được vào nội đô.
Để lách luật, người dân nghĩ ra cách cứ đến điểm kiểm soát lái xe lại thuê một, hai người đứng sẵn ở đó lên xe đảm bảo đủ số người để được vào nội đô.
Đi qua điểm kiểm tra, những người này lại xuống xe và nhận tiền thù lao. Đây trở thành một nghề kiếm sống cho người không có nghề nghiệp ổn định.
“Không thể lấy Singapore ra để so sánh với TP.HCM được. Bởi nước này quy mô đất nước nhỏ nên dễ quản lý. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng bên đó khá tốt, phương tiện công cộng đáp ứng được nhu cầu người dân”, tiến sĩ Bình nói.
Đừng quá kỳ vọng
Tiến sĩ, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng thu phí vào nội đô đã được nhiều thành phố tại các quốc gia phát triển áp dụng rất thành công như Pháp, Mỹ, Singapore…
Việc thu phí phương tiện sẽ giúp hạn chế phương tiện vào giờ cao điểm, giúp giải quyết ùn tắc giao thông.
“Thành phố thực hiện bằng mệnh lệnh hành chính, người dân không phục. Quy định đó sẽ gây phiền hà cho dân”
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy
Tuy nhiên, việc thu phí ôtô vào nội đô TP.HCM phải được cân nhắc kỹ lượng và có lộ trình cụ thể. Bởi hiện nay, TP.HCM chưa đủ điều kiện để thực hiện biện pháp này.
Tiến sĩ Thủy khẳng định việc thu phí phương tiện vào nội đô tại TP.HCM phải cân nhắc 5 vần đề.
Thứ nhất, khi tính đến chuyện hạn chế xe cá nhân phải đảm bảo phương tiện công cộng đáp ứng được tối thiểu 35% nhu cầu.
Tại các nước phát triển, trong lòng thành phố có hàng trăm km metro, hàng ngàn xe buýt. Người dân có nhiều loại hình phương tiện công công để lựa chọn.
Hãy nhìn lại TP.HCM, chỉ 10% người dân sử dụng phương tiện công cộng. Các tuyến metro liên tiếp chậm tiến độ vì thiếu vốn.
Thứ hai, việc thu phí trải dài từ 6 đến 19h là bất hợp lý. Đáng lẽ họ chỉ thu phí trong khung giờ cao điểm từ 6 đến 8h sáng, từ 17 đến 19h chiều.
Các chuyên gia cho rằng TP.HCM khó thành công với giải pháp này khi phương tiện công cộng chưa phát triển. Ảnh: Tùng Tin. |
Thứ ba, đối tượng thu phí là những ai. Theo tôi, chỉ thu những người làm việc ở ngoài vào thành phố, không thể nào thu phí những người sống bên trong thành phố được.
Thứ tư, việc thu phí taxi ở mức cao chắc chắn khiến giá thành đẩy lên. Cuối cùng người dân chính là các hành khách phải chịu.
Thứ năm, TP.HCM phải tính toán được khi thu phí ôtô có xảy ra bùng phát xe máy không. Bởi rất ít người dân chọn phương tiện công cộng. Khi cấm ôtô, người dân chuyển sang đi xe máy thì tắc vẫn hoàn tắc.
Vị này cho rằng ùn tắc ở TP.HCM và Hà Nội đã trở nên kinh khủng và khó có thể giải quyết. Đây chỉ là giải pháp tình thế trong thời điểm này.
TP.HCM và người dân không nên quá kỳ vọng vào giải pháp này. Ông Thủy dự đoán biện pháp này không giúp thành phố giảm ùn tắc được quá 10%.
Khu vực giới hạn thu phí ở đề án cũ được đơn vị đầu tư thay đổi, mở rộng ra khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Đồ họa: Minh Trí. |
Phải công khai việc thu phí
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết ông ủng hộ việc thu phí phương tiện vào nội đô. Tuy nhiên, số tiền thu phí được phải công khai, minh bạch đến người dân.
“TP.HCM phải trả lời được người dân không đi xe cá nhân thì đi bằng phương tiện gì vào nội đô. Trả lời được rồi hãy tính đến việc thu phí”, ông Thanh nói.