Đây là một trong những đề xuất giảm thuế của cơ quan quản lý tài khóa thực hiện theo Nghị quyết 84 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Đối tượng được hướng tới tháo gỡ khó khăn là các doanh nghiệp trong ngành hàng không bị tác động lớn của đại dịch.
Theo dự án này, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế hiện tại, áp dụng đến hết năm 2020.
Điều này đồng nghĩa với việc giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, tương đương mức giảm 900 đồng/lít (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít). Theo cơ quan soạn thảo, mức thuế này vẫn đảm bảo nằm trong khung thuế bảo vệ môi trường của nhiên liệu bay quy định tại Luật thuế Bảo vệ môi trường.
Các hãng hàng không là nhóm doanh nghiệp được tác động trực tiếp nếu Nghị quyết giảm thuế Bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay được thông qua. Ảnh: Khánh Huyền. |
Theo tính toán, số giảm thu Ngân sách Nhà nước ước tính khi áp dụng nghị quyết mới vào khoảng 87,33 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, việc giảm thuế Bảo vệ môi trường nói trên sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vận tải hàng không giảm bớt gánh nặng tài chính, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, nghị quyết này sẽ có hiệu lực ngay từ ngày ký và được áp dụng đến hết ngày 31/12/2020. Từ 1/1/2021, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ tiếp tục áp dụng theo quy định hiện tại.
Cũng theo cơ quan soạn thảo, để nghị quyết sớm được trình vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan nghiên cứu có ý kiến góp ý trước ngày 10/6.
Hiện nay, biểu thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay được quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế Bảo vệ môi trường là 3.000 đồng trên mỗi lít xăng. Khoản thuế này tương đương 22% chi phí xăng dầu của doanh nghiệp hàng không.
Trường hợp giá xăng dầu giảm sâu, tỷ lệ này có thể lên tới 50%.
Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với riêng nhiên liệu bay nằm trong góp ý dự thảo nghị quyết tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra.
Theo Bộ này, không nên giảm thuế bảo vệ môi trường với đại trà các mặt hàng xăng, dầu. Thay vào đó, nên giảm thuế với nhiên liệu bay để hỗ trợ ngành hàng không vì chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19.