Mới đây, đề án “Đúc biểu tượng rùa vàng hồ Gươm” đặt tại khu vực phố đi bộ của ông Tạ Hồng Quân, một công dân thủ đô, trình UBND TP Hà Nội khiến dư luận xôn xao, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Ý tưởng tốt nhưng phô trương quá gây phản cảm
Theo đề án, tượng rùa hồ Gươm sẽ được làm bằng đồng nguyên chất và vàng, dài 2,5-3,5 m và nặng 6-10 tấn đồng. Tác giả đề xuất đặt tượng rùa tại ngã tư Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng hoặc tại vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn với kinh phí được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Trước những đề xuất cụ thể về việc dựng tượng, PGS Hà Đình Đức, người có khoảng 20 năm nghiên cứu về rùa hồ Gươm, cho rằng dựng tượng rùa hồ Gươm là ý tưởng chấp nhận được vì phù hợp với văn hóa của di tích quốc gia đặc biệt hồ Gươm.
Tuy nhiên, PGS Đức không đồng tình với việc làm tượng rùa hồ Gươm to và hoành tráng như đề xuất.
“Theo tôi, chất liệu tượng không cần phải bằng đồng hay vàng mà có thể bằng đá trầm tích. Kích thước lớn hay sự hào nhoáng về vật liệu không phải là thứ quan trọng, điều cốt lõi là nó lâu bền và phù hợp với hồ Gươm, tháp Rùa hay tượng vua Lê gần đó”, PGS nhận định.
Theo ông Đức đề xuất xây tượng quá hoành tráng và lòe loẹt nên gây phản cảm. Phần đầu tượng không nhất thiết phải là đầu rồng mà nên tham khảo hình ảnh rùa thời Lê, tượng rùa ở đền Ngọc Sơn.
Vị PGS nhấn mạnh nếu đề xuất được thông qua, cần làm tượng rùa mang tính chất dân dã, phù hợp với người dân hơn, đặc biệt tránh làm hoành tráng, lấn át cảnh quan khu vực.
Ông Đức cho hay hồ Gươm là vùng nhạy cảm, di tích quốc gia đặc biệt nên muốn dựng tượng phải được lãnh đạo Hà Nội và các cấp bộ, ngành chấp thuận. Ngoài ra, đề xuất phải nhận được ý kiến đồng tình của các nhà văn hóa, khoa học.
Các vị trí được đề xuất đặt tượng rùa hồ Gươm. |
Không dựng tượng thì tốt hơn
Khác với ý kiến nên xây tượng rùa hồ Gươm với vật liệu và kích thước phù hợp hơn của PGS Hà Đình Đức, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc - Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định không nên xây bức tượng đó thì hợp lý hơn.
GS Ngọc cho hay ông biết đến đề án này thông qua báo chí và các phương tiện truyền thông nên không hiểu rõ đề án. Tuy nhiên, với tư cách là một người dân, ông Ngọc lo rằng nếu được xây dựng, bức tượng rùa sẽ làm hỏng nét đẹp của hồ Gươm.
“Bản thân hồ Gươm như một lẵng hoa đẹp giữa thủ đô. Cái đẹp của nó là vốn có, được tô điểm thêm bằng các di tích rất khiêm nhường và hài hòa như Tháp Rùa, tượng vua Lê, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc… Việc dựng một bức tượng quá to, phô trương như vậy ở hồ Gươm sẽ phá hỏng lẵng hoa đẹp đó”, ông Ngọc nhận xét.
Theo GS Ngọc, cần xác định rõ con rùa được đề xuất dựng tượng là thần Kim Quy thời An Dương Vương, hay rùa thần nhận kiếm của vua Lê hay là con rùa nào khác trong truyền thuyết, lịch sử. Từ đó xác định có đủ cơ sở để xây dựng bức tượng như một biểu tượng văn hoa, lịch sử của hồ Gươm, Hà Nội hay không.