Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bảo quản, chế tác cụ rùa chậm hơn 1 năm so với dự kiến

Theo TS Phan Kế Long, Phó giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, dự kiến việc chế tác cụ rùa sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017, chậm hơn gần 1 năm so với dự kiến ban đầu.

Lý do việc bảo quản, chế tạc cụ rùa chậm hơn so với dự kiến là do mẫu vật quá lớn lại thuộc hàng độc. Cụ rùa có chiều dài 2,08 m, rộng 1,08 m, nặng 169 kg, thuộc mẫu vật lớn nhất được bảo quản từ trước đến nay.

“Các chuyên gia Đức chia sẻ, họ thường làm mẫu vật 20-30 kg, chưa làm mẫu vật rùa mai mềm lớn như thế này. Đây là mẫu vật hết sức độc đáo”, tiến sĩ (TS) Long chia sẻ.

Việc chế tác, bảo quản cụ rùa được thực hiện theo phương pháp nhựa hóa, phương pháp bảo quản mẫu vật tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Việc bảo quản bắt đầu từ tháng 4/2016 do hai chuyên gia hàng đầu trong việc chế tác mẫu vật của Châu Âu thực hiện.

Theo TS Phan Kế Long, tháng 10/2016, các chuyên gia Đức đã sang Việt Nam lần thứ 2 để tiếp tục chế tác. Hiện đã đến giai đoạn tạo khung bằng kim loại, tạo cấu trúc, tạo vật liệu để kết nối giữa cổ, đầu, xương, da tạo thành cấu trúc bền vững.

Bao quan cu rua ho guom anh 1
Cụ rùa Hồ Gươm lúc sống.

 

Việc nhựa hóa cũng đã bắt đầu giai đoạn 1, dự kiến kéo dài 6 tháng. Ngoài ra, các chuyên gia Đức đang trong quá trình chế tạo mắt cụ rùa. Đây là khâu quan trọng nhất và khó nhất vì mắt thể hiện hồn của mẫu vật.

Các chuyên gia Đức phải tiến hành nghiên cứu trên website, đo đạc, nhìn ảnh cụ rùa lúc còn sống, nhìn vân, nhìn con ngươi, ánh mắt để khi làm xong, đôi mắt sẽ tạo ra được thần thái cụ rùa như mong muốn. Trong quá trình chế tác, cụ rùa cũng được đưa ra khỏi phòng bảo quản lạnh.

Dự kiến giữa 2017, các chuyên gia Đức sẽ sang để làm lần 3, và trước khi mẫu vật hoàn thành vào cuối năm 2017, các chuyên gia Đức sẽ sang lần cuối để hoàn thiện mẫu vật.

TS Phan Kế Long cho biết thêm do cụ rùa là mẫu vật lớn, độc, đặc biệt quý hiếm nên vật liệu chế tạo sẽ được nhập khẩu từ nước ngoài. Nhiều bộ phận phải đặt hàng, sản xuất đơn chiếc như mắt. Riêng tủ kính để trưng bày cụ rùa cũng được đặt hàng riêng một công ty của Đức. Tủ trưng bày cụ rùa phải đảm bảo về độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ, tránh tia UV. Các hệ thống để duy trì các yếu tố trên sẽ nằm hoàn toàn bên dưới để hình ảnh trưng bày được đẹp nhất.

Trước đó, UBND TP Hà Nội quyết định bảo quản cụ rùa theo phương pháp nhựa hóa - phương pháp bảo quản mẫu vật tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay với khả năng bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ hình thái, màu sắc, kể cả những phần khó như mắt và diềm mai (cấu tạo bằng sụn). Tuy nhiên, Việt Nam chưa có công nghệ này nên Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã thuê hai chuyên gia hàng đầu từ Bảo tàng Berlin của Đức.

Cụ rùa được phát hiện chết ngày 19/1/2016 gần khu vực đường Lê Thái Tổ và đưa vào Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam bảo quản trong phòng lạnh ở nhiệt độ -20 độ C.

Ước tính, cụ rùa khoảng 200 tuổi, thuộc nhóm thọ nhất thế giới. Cụ rùa dài 2,08 m, rộng 1,08 m, nặng 169 kg. Đây được coi là cá thể rùa Hoàn Kiếm cuối cùng ở hồ Gươm. Thế giới chỉ còn ba cá thể cùng loài với cụ rùa.

Không còn cơ hội nhân bản rùa Hồ Gươm

Ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội, cho biết, rùa Hồ Gươm sẽ được nhựa hóa (phương pháp bảo quản mẫu tốt nhất hiện nay), phục vụ trưng bày, nghiên cứu.


http://www.tienphong.vn/cong-nghe/bao-quan-che-tac-cu-rua-cham-hon-1-nam-so-voi-du-kien-1089543.tpo

Theo Nguyễn Hoài/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm