Tại phiên họp chuyên đề pháp luật, cho ý kiến dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) chiều 12/4, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết dự thảo luật bổ sung quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (dịch vụ OTT viễn thông) theo nguyên tắc tạo thuận lợi cho phát triển nhưng có quản lý để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh.
Theo đó, dự thảo luật quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có thu cước hoặc không thu cước nhưng có số lượng người sử dụng dịch vụ hoặc phát sinh lưu lượng dịch vụ tại thị trường Việt Nam vượt ngưỡng phải có biện pháp bảo đảm sự hoạt động ổn định của dịch vụ.
Tác động đến công cuộc chuyển đổi số
Liên quan đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Lê Quang Huy cho biết thường trực Ủy ban thống nhất dịch vụ OTT (như Viber, Telegram…) cần được quản lý theo cách thức phù hợp vì phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số.
Về quản lý dịch vụ OTT viễn thông, cơ quan thẩm tra nêu rõ về bản chất là dịch vụ sử dụng mạng viễn thông để cung cấp các ứng dụng công nghệ thông tin. Việc sử dụng dịch vụ này phát triển rất nhanh, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các dịch vụ tin nhắn và thoại truyền thống của các doanh nghiệp viễn thông ở nhiều quốc gia bao gồm cả thị trường Việt Nam.
Theo ông Huy, quản lý dịch vụ OTT viễn thông là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số mà Đảng và Nhà nước đang thúc đẩy.
"Pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý sẽ dẫn đến việc không bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin, do đó dịch vụ OTT cần phải được quản lý theo cách thức phù hợp", Chủ nhiệm Lê Quang Huy phân tích.
Sự phát triển của các dịch vụ OTT ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các dịch vụ tin nhắn và thoại truyền thống của các doanh nghiệp viễn thông Việt. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về cách thức quản lý tại dự thảo luật như quy định yêu cầu doanh nghiệp cung cấp OTT viễn thông phải có biện pháp bảo đảm sự hoạt động ổn định của dịch vụ là khó khả thi.
Ông Huy cho rằng việc cung cấp các dịch vụ này phụ thuộc vào khả năng truy cập Internet do các doanh nghiệp viễn thông cung cấp. Đồng thời các nhà cung cấp dịch vụ này cũng không kiểm soát được việc người tiêu dùng chọn sử dụng dịch vụ của nhà mạng nào.
"Các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng không thể bảo đảm sự hoạt động ổn định của dịch vụ hoặc khắc phục các vấn đề về chất lượng dịch vụ", ông Huy nêu.
Đối với quy định yêu cầu việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam, ông Huy cũng cho rằng khó áp dụng và gây lo ngại cho doanh nghiệp về vấn đề cạnh tranh, có thể làm hạn chế sự phát triển của các dịch vụ OTT tại Việt Nam.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu chỉnh lý các quy định nêu trên để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp; rà soát việc quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT cần gắn với quy định về quyền lợi của các doanh nghiệp này.
Đề xuất đấu giá số thuê bao di động
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Luật Viễn thông 2009 đã có quy định về việc thu hồi giấy phép viễn thông, phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên Internet thông qua phương thức đấu giá.
Tuy nhiên, thực tế các nội dung này khó triển khai do quy định mang tính định tính, khó xác định được đầy đủ các loại tài nguyên phải phân bổ qua đấu giá, khó xác định giá khởi điểm do tài sản có tính chất đặc thù.
Dự thảo Luật (sửa đổi) đã giải quyết các vấn đề này, đảm bảo tính khả thi. Cụ thể, về đấu giá quyền sử dụng kho số và tài nguyên Internet, loại tài nguyên viễn thông cấp qua đấu giá sẽ do thị trường quyết định, sau khi mang ra đấu giá mà không có ai trả giá sẽ quay về phân bổ trực tiếp, tuần tự; giá khởi điểm cho từng loại tài nguyên được xác định cụ thể.
"Nội dung này xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định đấu giá biển số xe của Bộ Công an", ông Long nói.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long. Ảnh: Phạm Thắng. |
Giải trình thêm về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Thứ trưởng Long khẳng định dịch vụ OTT và dịch vụ viễn thông đều cung cấp tới người sử dụng dịch vụ giống nhau. Một cái cung cấp dịch vụ qua hạ tầng mạng lưới, một cái là cung cấp dịch vụ qua Internet rồi tới hạ tầng mạng lưới.
"Do vậy, cơ quan soạn thảo dự án Luật Viễn thông đề xuất quản lý dịch vụ OTT, dịch vụ điện toán đám mây. Theo đó, ở trong nước quản lý dịch vụ viễn thông như thế nào thì quản lý dịch vụ OTT hay dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ xuyên biên giới cũng như vậy", ông Long nói.
Vì vậy, ông nhấn mạnh doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ này phải đăng ký và được cấp phép thì mới được triển khai dịch vụ tại Việt Nam.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.