Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất dự án cao cấp không cần dành quỹ đất xây nhà ở xã hội

Theo đề xuất của HoREA, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trung và cao cấp có thể xây hoặc không xây nhà ở xã hội trong khuôn viên dự án.

Khu nhà ở xã hội Định Hòa (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) do Becamex IDC xây dựng. Ảnh: Duy Hiệu.

Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản đề xuất các cơ chế, giải pháp để phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM. Tại đây, HoREA góp ý về quy định xây dựng nhà ở xã hội bên trong dự án nhà thương mại, vốn được xem là một trong những giải pháp tạo dựng quỹ đất phát triển nhà ở xã hội được quy định tại Luật Nhà ở năm 2023.

Bắt buộc với dự án bình dân, trung và cao cấp tách riêng

Luật Nhà ở năm 2023 yêu cầu chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Nếu không, chủ đầu tư phải chọn phương án hoặc quy đổi quỹ đất khác để làm nhà ở xã hội, hoặc đóng bằng tiền tương đương. Việc quyết định 1 trong 3 phương án trên do UBND cấp tỉnh quyết định.

UBND TP.HCM đang nghiên cứu để đưa ra phương án tối ưu, sau đó áp dụng thống nhất trên toàn thành phố.

Trong văn bản kiến nghị, HoREA cho rằng chỉ nên áp dụng quy định dành 20% quỹ đất dự án thương mại làm nhà ở xã hội với các dự án nhà ở bình dân vì loại hình này không chênh lệch đáng kể về giá với nhà ở xã hội. Còn các dự án nhà ở thương mại trung cấp, cao cấp trở lên, chủ đầu tư có thể đề xuất phương án xây hoặc không xây nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của toàn dự án.

Lý giải đề xuất trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng việc xây dự án nhà ở xã hội bên trong dự án thương mại trung hoặc cao cấp trở lên sẽ khó khả thi. Nguyên nhân là các chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng và chi phí quản lý sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án trung và cao cấp đều rất cao, vượt khả năng tài chính của nhóm người mua nhà ở xã hội.

Với phương án đóng tiền tương ứng, HoREA cho rằng TP.HCM có thể sử dụng khoản thu này để tạo lập quỹ đất phát triển nhà ở xã hội tại các khu vực phù hợp hơn.

Quy định dùng 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại để xây nhà ở xã hội cũng từng gây tranh luận trước đó. Tại phiên thảo luận về các vấn đề liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội của Quốc hội hôm 28/10, nhiều đại biểu cũng góp ý về quy định này.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho rằng quy định về 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội này chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu của người dân, từ đó ảnh hưởng đến kết quả phát triển các dự án nhà ở xã hội thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cũng đánh giá quy định về quỹ đất 20% trong dự án thương mại để làm nhà ở xã hội là không phù hợp. Ông cho rằng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại thường được xây với các tiêu chuẩn khác nhau, nếu xây 2 khu với tiêu chuẩn chênh lệch ở cạnh nhau sẽ phát sinh nhiều điểm không hợp lý cả về mỹ quan lẫn giá cả.

"Nếu xây khu nhà ở xã hội với chất lượng thấp thì làm xấu khu thương mại, còn xây theo tiêu chuẩn như nhà ở thương mại thì quá đắt", đại biểu nói.

Từ đó, đại biểu cho rằng thay vì dùng 20% quỹ đất để xây dự án nhà ở xã hội thì chủ đầu tư quy đổi phần đất đó ra tiền, nộp về ngân sách Nhà nước để tạo thành quỹ hỗ trợ cho nhà ở xã hội.

TP.HCM phát triển nhà ở xã hội còn khiêm tốn

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 2021 đến nay, thành phố chỉ có 10 dự án nhà ở xã hội, trong đó 6 dự án đã hoàn thành, 4 dự án đang triển khai thi công với tổng số gần 6.000 căn. Đây là kết quả khiêm tốn và đặt ra nhiều thách thức để TP.HCM thực hiện được chỉ tiêu phát triển 69.700-93.000 căn nhà ở xã hội đã đề ra trong giai đoạn 2021-2030.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030 mới đây, đã có 21 doanh nghiệp đăng ký đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất do doanh nghiệp tự tạo lập với khoảng 52.000 căn, trong đó có 40.000 căn sử dụng quỹ đất hiện có của doanh nghiệp và 12.000 căn hộ đang phải tìm quỹ đất trên địa bàn TP.

Để thực hiện mục tiêu phát triển 69.700-93.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, TP.HCM cần khoảng 69-93 dự án với tổng diện tích đất cần bố trí 96-130 ha

Theo HoREA

Theo HoREA, để thực hiện mục tiêu phát triển khoảng 69.700-93.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030, TP.HCM cần có khoảng 69-93 dự án nhà ở xã hội độc lập với quy mô trung bình 1.000 căn hộ/dự án với tổng diện tích đất cần bố trí lên đến 96-130 ha.

Trường hợp sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại để xây dựng 69.700-93.000 căn nhà ở xã hội thì tổng diện tích đất của các dự án nhà ở thương mại này cần phải có khoảng 480-650 ha.

Nếu kết hợp cả hình thức đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội độc lập với việc sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại dành để xây dựng 69.700-93.000 căn nhà ở xã hội thì tổng diện tích đất cần phải bố trí cũng có thể lên đến vài trăm ha.

Do đó, ông Lê Hoàng Châu đánh giá việc bố trí đủ quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, xây dựng để phát triển nhà ở xã hội có tính quyết định để thực hiện mục tiêu đề ra.

TP.HCM dự kiến giá thuê nhà ở xã hội từ 2,4 triệu đồng/tháng

Theo dự thảo khung giá thuê nhà ở xã hội đang được Sở Xây dựng TP.HCM lấy ý kiến, tùy thuộc vào chi phí bồi thường, giá đất mà giá thuê nhà tại mỗi dự án sẽ khác nhau.

Đề xuất bỏ quy định dùng 20% quỹ đất dự án thương mại làm nhà ở xã hội

Để phát triển chính sách nhà ở xã hội, đại biểu Quốc hội kiến nghị thay đổi quy định dành 20% quỹ đất trong dự án thương mại để làm nhà ở xã hội.

Bình Dương có cơ chế phí '0 đồng' cho chủ đầu tư xây nhà ở xã hội

Để thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội, Bình Dương hỗ trợ xử lý hồ sơ pháp lý "0 đồng" và hỗ trợ 50% chi phí xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Thủy Tiên

Bạn có thể quan tâm