Hiện, giá xăng vẫn chịu sự điều hành của cơ quan Nhà nước 10 ngày/lần. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, bên cạnh đề xuất điều chỉnh giá 7 ngày một lần, cơ quan quản lý còn đề xuất quy định Nhà nước chỉ công bố giá định hướng, doanh nghiệp sẽ tự đưa ra giá bán lẻ.
Để khắc phục tình trạng kinh doanh xăng dầu bất ổn như thời gian qua, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án. Phương án một tiếp tục điều hành giá theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức tính giá cơ sở theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp chưa được tính như premium trong nước. Các quy định về phương thức, tần suất xác định chi phí... để đảm bảo tính đúng, đủ vào giá cơ sở xăng dầu.
Với phương án này, Bộ đánh giá ưu điểm là Nhà nước sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ đối với giá mặt hàng xăng dầu trên thị trường.
"Tuy nhiên, khi các yếu tố cấu thành giá như chi phí kinh doanh có biến động bất thường sẽ không phản ánh đúng chi phí thực tế doanh nghiệp phải chi ra, nhiều doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại", cơ quan soạn thảo nêu nhược điểm.
Với phương án 2, Bộ Công Thương đề xuất Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá, gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế, lợi nhuận định mức, mức trích, sử dụng quỹ bình ổn giá...
Các doanh nghiệp trên cơ sở dữ liệu này sẽ cộng các chi phí kinh doanh, vận chuyển, premium... để tự xác định và công bố giá bán lẻ của mình. Doanh nghiệp tự kê khai khi thay đổi giá bán, báo cáo liên Bộ Công Thương - Tài chính để giám sát.
Trong năm 2022, tình hình nguồn cung lẫn kinh doanh xăng dầu có nhiều bất ổn, nhiều cửa hàng bán lẻ treo biển hết xăng. Ảnh: Minh Phúc. |
Sau khi cân nhắc, cơ quan quản lý đề nghị chọn phương án 2 với lý do cần đưa giá xăng dầu dần về sát với thị trường, giảm dần sự can thiệp Nhà nước.
Bên cạnh đó, phương án này sẽ đảm bảo các chi phí trong giá xăng dầu theo thực tế phát sinh của từng doanh nghiệp, hạn chế đầu cơ, găm hàng và khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn cung ổn định cho thị trường.
Song, Bộ Công Thương nhìn nhận phương án này có nhược điểm là trên thị trường sẽ xuất hiện nhiều mức giá xăng dầu, khi người dân chưa quen sẽ có phản ứng với giá của các doanh nghiệp có chi phí cao. Đối với những địa bàn có nhiều doanh nghiệp cung cấp xăng dầu, quy định này sẽ không khuyến khích doanh nghiệp tiết giảm chi phí kinh doanh để giảm giá bán xăng dầu...
Tại dự thảo, Bộ Công Thương cho biết hiện nay giá xăng dầu đang được điều hành theo hướng Nhà nước quy định công thức tính giá cơ sở và mức giá này sẽ làm căn cứ để cơ quan Nhà nước điều hành giá bán lẻ. Tức, Nhà nước công bố mức giá điều hành như giá trần để các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống.
Song cơ quan quản lý soạn thảo cho rằng việc quy định giá cơ sở theo một công thức cố định với các chi phí được tính dựa trên chi phí bình quân do các doanh nghiệp báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Tài chính sẽ không phản ánh đúng thực tế của từng doanh nghiệp đầu mối, cũng như những phát sinh mà họ phải bỏ ra.
Đặc biệt, trong giai đoạn chi phí tăng cao liên tục thì doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ, trong khi không được cập nhật, tính đúng, đủ trong công thức tính giá cơ sở. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu bất ổn vừa qua.
Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...