Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất CSGT được trang bị vũ khí, ngăn chặn người vi phạm

Tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất lực lượng CSGT được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định pháp luật, áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nhiều điểm mới, trong đó, tại Điều 69, Bộ Công an đề xuất trang bị, sử dụng phương tiện, thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ khi tuần tra, kiểm soát.

Cụ thể, lực lượng Cảnh sát giao thông được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; phương tiện giao thông đường bộ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy giao thông.

Ngoài ra, các lực lượng tham gia phối hợp với Cảnh sát giao thông thực hiện tuần tra, kiểm soát được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ phù hợp với nhiệm vụ được giao.

De xuat CSGT anh 1

Lực lượng CSGT, CSCĐ phối hợp làm nhiệm vụ.

Tại dự thảo luật, cụ thể là Điều 72, cơ quan soạn thảo đề xuất việc ngăn chặn các hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, chống người thi hành công vụ.

Trong đó, lực lượng thi hành công vụ sẽ giải thích cho người vi phạm biết rõ về hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi chống người thi hành công vụ; quyền và trách nhiệm của người vi phạm; thuyết phục, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm, chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát;

Trường hợp người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ thì tùy theo tình huống, tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi vi phạm và phòng vệ chính đáng.

Dự thảo cũng đề xuất trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng phương tiện và bỏ chạy thì người thi hành công vụ được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Theo Bộ Công an, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến, nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.

Bộ Công an đánh giá tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến phức tạp. Các vấn đề về an ninh như biểu tình trái pháp luật, tụ tập đông người trên đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về mặt pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành.

https://tienphong.vn/de-xuat-csgt-duoc-trang-bi-vu-khi-ngan-chan-nguoi-vi-pham-post1640530.tpo

Thanh Hà/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm