Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có tờ trình gửi Chính phủ, đề xuất việc bỏ quy định chụp ảnh, bổ sung ảnh chân dung cho các nhà mạng.
Theo Bộ TT&TT, yêu cầu này có thể làm rò rỉ thông tin riêng của khách hàng, đồng thời việc bổ sung ảnh chân dung là không cần thiết do đã có chứng minh nhân dân (CMND), đặc biệt là các thuê bao trả sau vốn có thông tin cá nhân đầy đủ, chính xác.
Nguyên nhân mà Bộ này đưa ra tương tự phản ánh của các chủ thuê bao di động khi được nhà mạng yêu cầu nộp đầy đủ thông tin CMND, chụp ảnh chân dung để hoàn thiện hồ sơ chính chủ. Nhiều người dùng tâm tư: giá như đề xuất này được đưa ra sớm hơn, bởi hơn 5 tháng trước, họ đã phải xếp hàng dài để bổ sung chân dung.
Mất thời gian 'rồng rắn' xếp hàng chỉ để chụp ảnh chân dung
Giữa tháng 4 năm nay, hàng triệu chủ thuê bao di động đã ùn ùn đến điểm giao dịch của các nhà mạng nộp thông tin cá nhân, chụp ảnh chân dung hoàn thiện hồ sơ chính chủ.
Ghi nhận của Zing.vn thời điểm đó, hàng loạt điểm đăng ký trực tiếp của các nhà mạng ở Hà Nội và TP.HCM liên tục “thất thủ” do số lượng người quá đông. Các cửa hàng phải tăng thời gian hoạt động lên đến 20h mỗi ngày, hỗ trợ đăng ký thêm vào chủ nhật. Không chỉ vậy, hình thức đăng ký trực tuyến của các nhà mạng cũng thường xuyên bị “nghẽn” vì quá tải.
Người dùng đổ xô đi đăng ký thông tin, bổ sung ảnh chân dung tại một cửa hàng ở TP.HCM ngày 21/4. Ảnh: Lê Quân. |
Cơn sốt người người, nhà nhà đều tranh thủ đi chụp ảnh chân dung cho nhà mạng càng trở nên nóng hơn khi đến cận ngày 24/4, hạn chót 3 nhà mạng lớn yêu cầu. Nguyên nhân là sau thời điểm này, các nhà mạng có thể cắt dịch vụ thuê bao chưa đầy đủ thông tin theo quy định của Nghị định 49/2017/NĐCP.
Từng mất cả buổi sáng để bổ sung thông tin và chụp ảnh chân dung tại một điểm giao dịch của nhà mạng MobiFone trên đường Điện Biên Phủ (quận 3, TP.HCM), chị Tuyết Anh cho hay, chị rất bất ngờ trước đề xuất bỏ quy định này.
“Nhiều đồng nghiệp trước đó than vãn về thời gian chờ đợi để xong thủ tục quá lâu, vì vậy, tôi phải xin nghỉ làm buổi sáng hôm đó để đi đăng ký. Tại phòng giao dịch, mọi người đứng ngồi xếp lớp để chờ đến lượt không khác gì ở bệnh viện”, chị Tuyết Anh nhắc lại trải nghiệm cách đây vài tháng.
Khách hàng này sở hữu cùng lúc 2 thuê bao của 2 nhà mạng khác nhau, vì vậy, chị phải mất đúng một ngày làm việc để đi… chụp ảnh chân dung. Dù đã đăng ký thuê bao chính chủ trước đó, chị Tuyết Anh vẫn phải tốn thời gian đi hoàn tất lại thủ tục theo yêu cầu của nhà mạng vì chị lo lắng sẽ bị cắt dịch vụ sau ngày 24/4. Chị nói rằng cả 2 SIM đều để liên hệ khách hàng, nếu gián đoạn liên lạc sẽ rất phiền phức.
“Không riêng tôi, nhiều người cũng vì công việc làm ăn đã phải xin nghỉ việc một buổi hoặc nhiều hơn chỉ để chờ đợi được chụp một tấm hình. Tôi nghĩ việc đề xuất bỏ quy định này là hợp lý, dù chậm trễ khi với khách hàng hầu hết là việc đã rồi”, khách hàng nói.
Giá như kiến nghị sớm hơn
Tương tự, chị Kim Ngân (quận 5, TP.HCM) cho rằng việc sử dụng điện thoại di động hiện nay rất phổ biến, vì vậy, quy định này hầu như ảnh hưởng trực tiếp đến mọi người.
Không chỉ tự đăng ký lại cho bản thân, chị Ngân cũng phải mất thêm thời gian để hướng dẫn ba và mẹ ở tuổi ngoài 70 đến điểm giao dịch của các nhà mạng làm hồ sơ đăng ký.
“Thông tin cá nhân tôi có thể tự cung cấp cũng được nhưng về ảnh chụp chân dung, các nhân viên của điểm đăng ký yêu cầu phải có sự có mặt của ông bà thì mới thực hiện được. Khá bất tiện khi để ba mẹ lớn tuổi chờ đến lượt nhưng cũng bắt buộc phải làm vì nhà mạng đã nhắn tin yêu cầu”, chị Ngân nói.
Một điểm đăng ký SIM chính chủ trên đường Điện Biên Phủ (TP.HCM) luôn chật kín người hồi tháng 4/2018. Ảnh: Phúc Minh. |
Nghị định 49/2017 có sửa đổi, bổ sung nội dung yêu cầu thuê bao bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ bên cạnh thông tin giấy tờ tùy thân được ban hành giữa năm 2017. Nghị định này nêu rõ ngày 24/4 là hạn chót các nhà mạng phải thu thập thông tin thuê bao.
Tuy nhiên, đầu tháng 4, tức cận thời gian quy định, các nhà mạng mới tấp cập, hối thúc chủ thuê bao thực hiện bổ sung thông tin và ảnh chân dung.
“Từ ngày biết thông tin đến hạn chót hoàn tất thủ tục nhà mạng yêu cầu chưa đến một tháng, như vậy là rất gấp rút. Chính vì vậy mới xảy ra hiện tượng ùn ùn cùng nhau đi đăng ký. Tại sao nhà mạng không thông báo sớm hơn?”, ông Xuân Cẩm nói.
Ông cho cũng cho biết thêm thời điểm đó, ông và rất nhiều người khác đã phản ánh việc cung cấp ảnh chân dung cho nhà mạng là không cần thiết bởi CMND đã có sẵn, ngoài ra nhiều thuê bao cũng đã đăng ký thuê bao chính chủ trước đó, nghĩa là các thông tin này nhà mạng đã nắm hết.
“Phản ánh nhiều nhưng vẫn không thấy động tĩnh gì, ai cũng sợ cắt dịch vụ nên đều đi đăng ký cả. Một số người chậm trễ thấy nhà mạng còn gia hạn thời gian ngắn sau đó để đăng ký nên cũng tranh thủ. Biết thông tin đề xuất bỏ quy định chụp ảnh chân dung, tôi rất bất ngờ. Giá như cơ quan chức năng không kiến nghị sớm hơn”, ông Cẩm nói.
Thuê bao không đăng ký vẫn chưa bị cắt dịch vụ
Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính tới tháng 3/2018, còn 34 triệu thuê bao chưa đăng ký đầy đủ thông tin để phục vụ công tác quản lý viễn thông, hạn chế SIM rác và tin nhắn rác.
Trước đề xuất bỏ quy định chụp ảnh chân dung cho nhà mạng, nhiều người lo ngại về tính bảo mật của thông tin đã cung cấp. Ảnh: Lê Quân. |
Tuy nhiên, trong tờ trình mới đây gửi Chính phủ đề xuất bỏ quy định chụp ảnh chân dung, Bộ cũng giải thích rằng hiện các doanh nghiệp viễn thông trong nước không có cơ sở để chứng minh, đối soát tính chính xác của thông tin thuê bao bởi chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu căn cước công dân điện tử.
Theo tìm hiểu, hiện nhiều thuê bao di động chưa thực hiện bổ sung thông tin và ảnh chụp chân dung vẫn sử dụng dịch vụ bình thường. Các khách hàng này cho biết, sau thời gian gia hạn của nhà mạng, họ không thấy dịch vụ bị cắt hay ảnh hưởng gì nên vẫn duy trì sử dụng đến nay.
“Không có sự khác biệt giữa người đã và chưa thực hiện theo yêu cầu của các nhà mạng, vậy các nhà mạng sử dụng thông tin cá nhân và ảnh chụp chân dung khách hàng như thế nào và vào việc gì. Chúng tôi hoàn toàn lo ngại khi các thông tin này có thể bị rò rỉ ra bên ngoài”, ông Cẩm nói.