Ngày 16/4, tiếp tục phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7. Liên quan đến nội dung thảo luận kinh tế - xã hội, quyết toán ngân sách, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề xuất đổi mới.
Theo đó, tại kỳ họp giữa năm, Chính phủ gửi báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2018. Việc gửi báo cáo bổ sung của năm trước đến các đại biểu trong khi Quốc hội đã thảo luận rất kỹ vấn đề này tại kỳ họp cuối năm ngoái. Vì thế, tại kỳ họp giữa năm nay chỉ nên bàn vấn đề mới, vấn đề khác, từ đó rút ngắn thời gian thảo luận.
“Báo cáo đánh giá bổ sung nên gửi đại biểu nghiên cứu thôi vì đã thảo luận rồi. Nhiệm kỳ này quen thực hiện thì cứ làm nhưng nhiệm kỳ sau nên đổi mới”, ông Hiển nêu ý kiến.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ảnh: VietnamPlus. |
Tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng đây là nội dung được đại biểu, cử tri quan tâm. Khoảng thời gian cuối năm cũng nhiều vấn đề xảy ra và việc này đã thực hiện mấy chục năm rồi.
Trao đổi lại, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho rằng chỉ nên bàn về năm 2019 hoặc 2020, bàn những giải pháp để thực hiện nghị quyết về kinh tế - xã hội năm 2019. Trong quá trình đó có thể cũng nói lại đà từ 2018.
“Khóa này có thể chưa thực hiện được nhưng những khóa sau chúng ta chỉ nên gửi báo cáo thôi. Quốc hội thấy vấn đề gì nổi có thể mang ra bàn, thành một chuyên đề thảo luận về kinh tế - xã hội, như thế là đổi mới”, ông Hiển nêu quan điểm.
Chỉ có 19 ngày làm việc
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV kéo dài khoảng 19 ngày làm việc.
Trong đó, Quốc hội dành thời gian xây dựng luật là 10,75 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác là 7 ngày; khai mạc, bế mạc và thông qua các nghị quyết, dự án luật là 2,25 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và dự kiến khai mạc vào ngày 20/5 và bế mạc vào ngày 13/6.
Kỳ họp thứ 7 tới dự kiến kéo dài trong khoảng 19 ngày làm việc. Ảnh: Quochoi.vn. |
Ông Phúc cũng cho biết theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề nghị của Chính phủ, nội dung kỳ họp có sự điều chỉnh.
Cụ thể, có 4 dự án luật được đề nghị bổ sung là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.
Có 3 dự án luật được đề nghị rút khỏi chương trình làm việc gồm: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện.
Trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội là 2,5 ngày.
Có thể tăng số bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp
Phát biểu thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng nên tiếp tục cải tiến nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Bà góp ý tổ chức chất vấn theo một số chuyên đề để các bộ trưởng trả lời; rút ngắn thời gian chất vấn xuống chỉ còn khoảng 2 ngày trên đề xuất là 2,5 ngày.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng trong 2,5 ngày chất vấn, không nhất thiết phải mời 5 bộ trưởng, mỗi người một buổi trả lời. Có thể mời thêm số bộ trưởng để giảm thời gian một người xuống ngắn hơn.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến để bổ sung, hoàn thiện chương trình kỳ họp thứ 7. Bà đề nghị bổ sung dự án Luật Công đoàn và Chính phủ rà soát lại tất cả các dự án luật cần phải sửa khi Việt Nam tham gia CPTPP.
Chủ tịch Quốc hội thống nhất thời gian chất vấn và trả lời chất vấn là 2,5 ngày; thảo luận kinh tế - xã hội là 1,5 ngày; đồng thời đề nghị Văn phòng Quốc hội cho áp dụng một số phần mềm phục vụ cho đại biểu Quốc hội ngay tại kỳ họp.