Sáng 16/4, tiếp tục phiên họp thứ 33, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2020.
Đọc tờ trình, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết năm tới Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ thực hiện chương trình giám sát vào 2 kỳ họp thứ 9 và 10, cùng với 2 chuyên đề giám sát riêng.
Các chương trình giám sát trong 2 kỳ họp năm 2019 gồm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo…
Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn. |
Tổng thư ký Quốc hội cho biết hiện còn nhiều ý kiến về nội dung 2 chuyên đề giám sát riêng. Trong đó một chuyên đề giám sát của Quốc hội và một chuyên đề của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo đó, Tổng thư ký Quốc hội đã xin ý kiến 77 cơ quan và chọn được 3 chuyên đề trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định lấy 2 nội dung.
Ba chuyên đề được đưa ra lấy ý kiến là: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA); việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải.
Phát biểu cho ý kiến, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện, đồng tình với đề xuất thực hiện một chuyên đề giám sát về vấn đề xâm hại trẻ em và việc thực hiện các FTA.
“Bảo vệ trẻ em là vấn đề đang được xã hội quan tâm. Vừa qua xảy ra một số vụ việc khiến cử tri và xã hội rất bức xúc”, bà Hải nói.
Liên tiếp các vụ dâm ô, xâm hại trẻ em trong thời gian qua khiến cử tri, dư luận bức xúc. |
Ngoài ra, bà Hải đề nghị tăng cường các phiên chất vấn, giám sát chuyên đề mang tính chất nóng”, phát sinh nóng trong tháng, trong quý đáp ứng nguyện vọng của cử tri mà không cần nằm trong kế hoạch.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý việc chọn các chuyên đề giám sát trong năm tới phải căn cứ vào thực tế khi cả nước tổ chức đại hội Đảng các cấp và chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Bà lựa chọn 2 chuyên đề liên quan đến xâm hại trẻ em và việc thực hiện các FTA mà Việt Nam tham gia.
“Hiện nay nổi lên là bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, quấy rối, liên quan đạo đức xã hội khiến cử tri bức xúc. Nên lựa chọn lĩnh vực bảo vệ trẻ em nhưng liên quan hoạt động tư pháp và có sự phối hợp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng”, bà Phóng nêu ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Quốc hội phải lên tiếng về vấn đề trẻ em khi hàng ngày xảy ra nhiều vụ việc xâm hại. Bà đề xuất cần đứng trên góc độ tư pháp, liên quan thực hiện chính sách pháp luật khi giám sát vấn đề này.
Về chuyên đề giám sát việc thực hiện các FTA, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cần đi sâu vào 12 hiệp định mà Việt Nam đang tham gia, để đánh giá việc nội lực hóa thực hiện các cam kết, từ đó rút ra bài học. Bà lưu ý vấn đề này nên thực hiện giám sát ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình với chuyên đề giám sát về trẻ em, nhưng bà đề xuất nên làm rõ tên chuyên đề để thống nhất nội dung giám sát. Theo đó, bà Nga đề xuất tên chuyên đề là “Vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em”. Nội dung này vừa bao quát vấn đề bạo lực học đường, xâm hại tình dục, bạo hành ở trường mầm non, vừa nhìn ở góc độ tư pháp.
Bà Lê Thị Nga cũng đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cùng phối hợp thực hiện.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết 2 chuyên đề được Ủy ban Thường vụ cho ý kiến sẽ trình ra Quốc hội để chọn một. Chuyên đề còn lại sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát vào năm tới.