Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất bỏ hoặc giảm thảo luận tổ khi họp Quốc hội

Tổng thư ký Quốc hội nêu đề xuất bỏ thảo luận tổ với nội dung kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước vì hiệu quả chưa cao. Thay vào đó sẽ tăng thời gian thảo luận tại hội trường.

Ngày 16/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội thứ 7 và công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8.

Từ những kinh nghiệm rút ra từ kỳ họp vừa diễn ra, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu một số đề xuất mới, trong đó có việc giảm hoặc bỏ thảo luận ở tổ do hiệu quả chưa cao.

de xuat bo thao luan to anh 1
Đại biểu Quốc hội phát biểu tại một phiên thảo luận tổ trong kỳ họp thứ 7 vừa qua. Ảnh: Minh Quân.

“Trước mắt, đối với nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đề nghị không bố trí thảo luận ở tổ và tăng thời gian thảo luận ở hội trường từ 2,5 lên 3 ngày. Đồng thời, giảm thời gian phát biểu của đại biểu từ 7 phút xuống còn 5 phút”, ông Phúc nêu kiến nghị.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng không nên bỏ thảo luận tổ vì đó là quy trình. Thừa nhận một số tổ làm việc không hiệu quả nhưng ông Hiển nói thảo luận tổ rất quan trọng.

Do đó, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị thảo luật kinh tế xã hội, dự toán ngân sách chỉ trong 2 ngày thay vì 3. Về thời gian phát biểu 7 phút hay 5 phút do Quốc hội quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng không nên bỏ thảo luận tổ và ghép nhiều nội dung vào một buổi họp. Để nâng cao chất lượng, bà Nga cho rằng cần khắc phục, hạn chế việc vắng mặt, nghỉ sớm tại các phiên thảo luận tổ.

“Có phiên họp đại biểu vắng quá nhiều, có đoàn vắng 13 người. Việc này cần phải chấn chỉnh”, bà Nga nói.

Một đề xuất khác được Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nêu ra là kỳ họp tới cần giảm tối đa tài liệu bằng văn bản giấy và nâng cấp để tăng tiện ích của phần mềm cung cấp, thông tin tài liệu kỳ họp trên thiết bị di động, bảo đảm thuận tiện cho việc nghiên cứu, sử dụng tài liệu điện tử.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét cải tiến việc xin ý kiến đại biểu bằng hệ thống điện tử hiển thị đồng thời 2 phương án để bấm chọn, thay vì "đồng ý" hoặc "không đồng ý".

Dự kiến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội làm việc trong hơn 22 ngày (họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21/10 và bế mạc vào ngày 20/11). Trong đó, Quốc hội dành 12 ngày làm việc về công tác lập pháp như xem xét, thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến 8 dự án luật.

Một trong những nội dung đáng chú ý ở kỳ họp này là Quốc hội sẽ xem xét thông qua nghị quyết thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội, thực hiện từ năm 2021 đến năm 2026 và một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.

Chủ tịch Quốc hội: 'Có ngày họp Quốc hội vắng 100 đại biểu'

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, mỗi ngày vắng không dưới 30 đại biểu, có ngày vắng 100 người.

Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm