Theo tờ trình của Tổng công ty Đầu ư phát triển đường cao tốc (VEC), hiện đơn vị đang làm chủ đầu tư của 6 dự án đường cao tốc với tổng chiều dài gần 600 km. Dự kiến từ nay đến năm 2019, các dự án sẽ hoàn thành.
Ông Mai Anh Tuấn, Tổng giám đốc VEC cho biết đến năm 2020, mục tiêu của VEC là đầu tư xây dựng được 1.000 km đường cao tốc. VEC cần phải huy động vốn đầu tư mới khoảng 420 km.
Để giải quyết nguồn vốn, việc nghiên cứu phương án nhượng quyền có thời hạn quyền khai thác các dự án đường cao tốc do VEC quản lý, trước mắt là dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là cần thiết.
VEC đề xuất nhượng quyền khai thác cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đang nghiên cứu nhượng quyền khai thác đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Vị này cho biết việc nhượng quyền vận hành khai thác dự án đường cao tốc chưa có tiền lệ tại Việt Nam. VEC đề nghị Bộ GTVT đề xuất Chính phủ thí điểm giao doanh nghiệp này đàm phán, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, năng lực trong vận hành, khai thác đường cao tốc.
Sau khi nhượng quyền, VEC và nhà đầu tư sẽ thành lập doanh nghiệp vận hành, khai thác tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. VEC đề xuất phương án góp một phần vốn, tham gia vào điều hành hoạt động của doanh nghiệp để cùng vận hành đường cao tốc.
VEC ước tính, dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có thể được nhượng quyền khai thác với giá gần 9.200 tỷ đồng. Nhà đầu tư nhượng quyền cần các điều kiện gồm: Có kinh nghiệm từ các dự án nhượng quyền; có năng lực về tài chính; có năng lực về vận hành, khai thác các dự án cao tốc.
Số tiền thu được từ việc nhượng quyền sẽ được VEC đầu tư 2 dự án đường cao tốc Bắc Nam là Ninh Bình - Quốc lộ 45 (63 km) và Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (43 km).
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được khởi công tháng 1/2006 với mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng. Tuyến đường này dài 50km, đi qua 4 tỉnh thành phố, gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình; trung bình có 43.000 lượt phương tiện đi qua/ngày đêm.
Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50 km. Ảnh: Google Maps. |