Người dân đi bộ chiêm ngưỡng cầu Nhật Tân trước khi cây cầu khánh thành. Ảnh: Anh Tuấn. |
Theo ông Tô Văn Động (Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội), cầu Nhật Tân rất đẹp, từ đó Sở đưa ra ý tưởng lập điểm bắn pháo hoa thường xuyên ở đây để cho người dân đến thưởng thức.
Ông Động cũng cho hay, ý tưởng nếu được thành phố thông qua thì kinh phí sẽ được huy động 100% từ doanh nghiệp, cá nhân (xã hội hóa). Các đơn vị muốn bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân ngoài việc đáp ứng yêu cầu về kinh phí, còn phải đảm bảo về kỹ thuật, nghệ thuật và đặc biệt là an toàn thì có thể được tạo điều kiện thực hiện thường xuyên chứ không chỉ riêng vào các ngày lễ lớn của Hà Nội cũng như cả nước.
Dự kiến trong tuần này, UBND thành phố Hà Nội sẽ nghe đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trình bày rõ hơn ý tưởng này.
Sau 6 năm thi công, ngày 4/1/2015, cầu Nhật Tân - cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á bắc ngang qua sông Hồng - chính thức được khánh thành. Tổng mức đầu tư của cầu hơn 13.600 tỷ đồng.Sau khi khánh thành rất nhiều người lên mặt cầu đỗ phương tiện trái phép để tham quan gây mất trật tự, an toàn giao thông. Từ đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở GTVT xây dựng phương án cho người dân lên tham quan cầu.
Cầu Nhật Tân dài hơn 3,7km, nằm trên đường vành đai II, bắt đầu từ Phú Thượng (Tây Hồ) chạy song song, cách đường Lạc Long Quân khoảng 420m, vượt qua sông Hồng cắt với QL 5 kéo dài tại nút giao Vĩnh Ngọc và kết thúc tại đường Nam Hồng (Đông Anh).
Phần cầu chính là cầu dây văng liên tục được làm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, với 5 trụ tháp, thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng.
Mặt cầu Nhật Tân rộng 33,2 m chia thành 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe buýt, 2 dải xe hỗn hợp. Đường dẫn hai đầu cầu được thiết kế đạt tiêu chuẩn phố chính cấp I, bảo đảm cho xe chạy với vận tốc 80 km/h, các đường gom đạt tiêu chuẩn đường khu vực cho phép xe chạy với vận tốc 60 km/h.