Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dỡ dải phân cách lên cầu Nhật Tân sau nhiều tai nạn

Toàn bộ 1.600m dải phân cách cứng bằng bê tông trên đường Võ Nguyên Giáp và Võ Chí Công nối lên cầu Nhật Tân được dỡ bỏ sau khi hàng loạt sự cố lật xe xảy ra.

Trâu bò, xe đạp vô tư cắt mặt ôtô ở cao tốc tỷ USD

Trâu bò, người làm đồng tạt ngang đầu xe hay trẻ em thơ thẩn chơi giữa làn ôtô... là những cảnh thường gặp trên cao tốc Võ Nguyên Giáp (Hà Nội) sau ít ngày thông xe.

Sau 1 tuần thông xe, trên cao tốc Võ Nguyên Giáp và cầu Nhật Tân, nhiều vụ tai nạn đã liên tiếp xảy với tình huống tương tự là ôtô lao lên dải phân cách, lật nghiêng chắn ngang đường.

Một lãnh đạo đội CSGT số 15 cho hay, sự cố gần đây nhất xảy ra lúc 3h40 ngày 11/1, tại đường nội cảng nhà ga quốc tế T2 - Sân bay Nội Bài. Xe gặp nạn là chiếc ôtô khách 29 chỗ VietJet Air biển kiểm soát Hà Nội chở 27 người do ông Phạm Hùng Khanh (57 tuổi) điều khiển, không có thương vong về người.

Chỉ ít giờ trước đó, khoảng 23h ngày 10/1, chiếc xe tải màu xanh lưu thông từ nhà ga quốc tế Nội Bài hướng về nội thành, tới dải phân cách nối lên cầu Nhật Tân, cách cầu khoảng 500 m thì lao lên dải phân cách và bị văng mạnh ra giữa đường.

Chiếc ôtô 16 chỗ chở khách di chuyển từ sân bay Nội Bài về nội thành, tới gần cầu Nhật Tân thì bị mất lái lao lên dải phân cách tối 9/1. Ảnh: otofun. 

Theo thống kê, trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, 6 sự cố tai nạn, lật nghiêng xe liên quan đến dải phân cách đã xảy ra trong tuần đầu thông xe.

Vị lãnh đạo đội CSGT số 15 cũng cho biết các sự cố tai nạn thường xảy ra tại chủ yếu trên  địa phận xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh.

Nguyên nhân chính được xác định là do tài xế di chuyển tốc độ nhanh trong khi hệ thống dải phân cách cứng không có phản quang khiến nhiều người điều khiển khó quan sát. Yếu tố trời mưa, đường trơn cũng là một nguyên nhân dẫn đến các sự cố lật xe trên tuyến đường này.

Bát nháo, mất trật tự trên cầu Nhật Tân

Đứng ở làn xe chạy chụp ảnh, đi bộ tạt đầu ô tô, bóng bay bán rong tung tăng, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm phóng nhanh là những hình ảnh không đẹp trên cầu vừa thông xe.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc Ban điều hành dự án A85 cho hay, trước ngày thông xe toàn tuyến, Ban điều hành đã cho lắp hệ thống các biển báo hai bên cầu, đồng thời lắp hệ thống 1.600m dải phân cách cứng bằng bêtông trên đường dẫn hai bên cầu.

Cụ thể, trên đường Võ Nguyên Giáp, 900 m phân cách được chia thành 4 đoạn lắp ở cả hai chiều thuộc địa phận xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh, Hà Nội). Ở đường Võ Chí Công, 700 m dải phân cách chia làm 3 đoạn lắp nối thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.

Phần đầu mỗi đoạn dải phân cách thiết kế vát chéo rất thấp và không có biển báo phân làn phương tiện là một nguyên nhân dẫn đến hàng loạt sự cố lật nghiêng xe trên cao tốc Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Hoàn Nguyễn

Sau khi nhận được thông báo liên tiếp các sự cố tài xế mất lái lao lên dải phân cách cứng và bị lật nghiêng, Ban quản lý dự án phối hợp với Ban quản lý cầu tiến hành tháo dỡ toàn bộ hệ thống 1600 m dải phân cách này.

Về phản ánh dải phân cách không có phản quang, ông Minh cho hay Ban quản lý sẽ sơn phản quang đầy đủ ở các đoạn dải phân cách.

Theo ghi nhận, mỗi đoạn dải phân cách hiện chỉ được sơn một lớp sơn màu đỏ không phải phản quang dài 1m ở phần đầu mỗi đoạn. Phần đầu được sơn thiết kế vát chéo rất thấp không được cắm biển báo chắn hoặc hướng dẫn phân làn.

Đại diện Ban quản lý A85 cũng cho biết sau khi nhận được phản ánh, lãnh đạo Bộ GTVT đã yêu cầu Ban quản lý nghiên cứu và tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng này. Số dải phân cách này được tập trung về Ban quản lý chờ phương án giải quyết. Hệ thống dải phân cách đường gom trước nhà ga quốc tế T2 vẫn được sử dụng bình thường.

Cầu Nhật Tân là cây cầu dây văng nhiều nhịp nhất Việt Nam. Dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 89,943 tỷ yên Nhật (tương đương 13.626 tỷ đồng). Cầu có chiều dài 8,9km. Phần cầu Nhật Tân dài 3,7km trong đó có cầu chính vượt sông Hồng dài 1,5km là cầu dây văng liên tục nhiều nhịp với 5 trụ tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Thủ đô chào đón bạn bè quốc tế đến với Hà Nội.

Dự án đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân (đường Võ Nguyên Giáp) được đầu tư xây dựng để kết nối trung tâm thủ đô với sân bay Nội Bài, giảm lượng giao thông trên tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài. Dự án dài hơn 12 km, với tổng mức đầu tư 6.742 tỷ đồng. Phần đường chính được thiết kế vận tốc 80 km/h, các đường gom là 40 km/h.

Hoàn Nguyễn

Bạn có thể quan tâm