Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động

Nhằm đảm bảo sự phù hợp sức khỏe và tuổi thọ của người Việt Nam, ban soạn thảo Bộ luật Lao động sửa đổi vừa đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ lên 60.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa đưa ra nhiều nội dung đề xuất quan trọng trong Bộ luật Lao động sửa đổi. Trong đó, ban soạn thảo luật đưa ra hai phương án để trình lên Chính phủ và Quốc hội lấy ý kiến về việc tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động.

Theo phương án thứ nhất, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án thứ hai, cũng kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

tang tuoi nghi huu anh 1
Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi có nội dung đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ lên 60. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. 

Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm nhằm tránh gây "sốc" cho thị trường lao động và có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội. Lựa chọn phương án điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu nhanh có thể dẫn đến số người thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đột ngột, gây ra những vấn đề xã hội bức xúc.

Qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến đề xuất chọn phương án 1. Đây được đánh giá là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật lao động sửa đổi cũng có nội dung đề xuất mở rộng khung giờ làm thêm tối đa lên 300-400 giờ/năm, tăng thêm 100 giờ/năm so với luật hiện hành. 

Qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến tán thành. Theo ban soạn thảo bộ luật, đây là mức giờ tăng thêm tối ưu hóa mặt tích cực, hạn chế thấp nhất mặt tiêu cực của việc làm thêm giờ trên cơ sở các nghiên cứu, cân nhắc và đánh giá tác động về kinh tế, xã hội và tác động giới.

Mức tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về điều kiện kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu và sức khỏe của người lao động.

Văn bản dự thảo Luật lao động sửa đổi cũng nêu rõ, trong bối cảnh Việt Nam với thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp, năng suất lao động còn ở mức thấp, tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp vẫn còn lớn (các ngành sản xuất gia công, lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may, thủy sản, da giày, chế biến gỗ…) thì nhu cầu mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ là nhu cầu có thực để góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Dự thảo với các nội dung trên đã được gửi lên Chính phủ xem xét, phê duyệt và sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới. 

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm