'Đệ nhất' khóc thuê đám ma tại Đài Loan
Để đảm bảo cho người quá cố ra đi suôn sẻ, Liu Jun-Lin, người khóc mướn chuyên nghiệp và nổi tiếng nhất Đài Loan phải nhảy múa vui nhộn và ngay sau đó lăn lộn khóc than thảm thiết.
Liu khóc thuê tại một đám tang. |
Nghề khóc thuê lâu nay vẫn gây tranh cãi và bị xem như là thương mại hóa lòng thương tiếc của người sống với người chết. Tuy nhiên, những người khóc thuê như Liu nói rằng đó là nghề có lịch sử lâu đời ở Đài Loan, nơi theo truyền thống, gia quyến cần tổ chức một lễ tang lớn và huyên náo để người chết sang thế giới bên kia một cách suôn sẻ.
“Khi một người thân từ trần, nhiều người đau buồn đến mức không còn nước mắt để khóc trong lễ tang. Vậy làm sao để thể hiện sự đau lòng khi mà bạn không còn sức để khóc?”, Liu nói. Và đó là lúc cô xuất hiện tại đám tang để giúp gia chủ thể hiện nỗi đau buồn.
Những lễ tang Đài Loan truyền thống thường diễn ra phức tạp, kết hợp giữa không khí u buồn với trò giải trí để củng cố tinh thần cho gia chủ.
Với phần giải trí, Liu (30 tuổi) và các thành viên khác trong nhóm nghi lễ, sẽ mặc những bộ trang phục tươi sáng, biểu diễn một số điệu nhảy như nhào lộn, trong khi người anh là A Ji chơi đàn dây truyền thống.
Sau đó, Liu đổi sang mặc áo tang màu trắng, 2 tay bám vào quan tài và chân quỳ trên đất. Đó là lúc anh trai cô bắt đầu chơi những điệu nhạc ai oán và cô gào khóc. “Cha ơi, con gái nhớ cha nhiều lắm. Cha đừng đi”, cô miêu tả tiếng than khóc vừa kéo dài vừa sầu não.
Liu luyện than khóc tại nhà. |
Khi được hỏi làm thế nào để khóc, Liu nói rằng việc cô khóc là hoàn toàn thực lòng. “Mỗi khi bạn đến đám tang, bạn có cảm giác gia chủ như gia đình mình, nên bạn phải dồn hết tình cảm trong đám tang. Khi tôi nhìn thấy nhiều người đau khổ, tôi thậm chí còn đau lòng hơn”, Liu tâm sự.
Với đôi lông mi dài, má lúm đồng tiền và chất giọng truyền cảm, Liu dường như trẻ hơn nhiều với độ tuổi 30 của cô. Ở nhà, cô mặc bộ đồ thể thao màu cam và sơn móng tay màu mè. Nhìn thoáng qua, có người sẽ cho rằng cô là một giáo viên hay y tá hơn là một người khóc thuê chuyên nghiệp.
Người quản lý tang lễ Lin Zhenzhang từng làm việc với Liu nhiều năm qua, nói rằng cô là người có sức lôi cuốn. “Theo truyền thống, chúng ta nghĩ rằng nghề khóc thuê chỉ dành cho những người phụ nữ thế hệ trước. Tuy nhiên, Jun-Lin lại rất trẻ và xinh đẹp. Sự tương phản đó khiến nhiều người cảm thấy rất tò mò”, Lin phát biểu.
Bà và mẹ của Liu đều là những người khóc thuê chuyên nghiệp. Khi còn nhỏ, cô thường chơi gần các ngôi nhà có đám tang, trong khi mẹ cô bận gào khóc thay gia chủ. Ở nhà, cô cũng bắt chước giọng mẹ và các chị khi họ tập khóc. “Tôi lấy bất kỳ đồ vật nào và xem nó như chiếc loa. Sau đó tôi giả vờ đang than khóc cạnh một quan tài”, Liu kể lại.
Cả bố và mẹ Liu đều qua đời khi cô còn nhỏ, để lại 3 đứa con sống cùng người bà và gánh nặng nợ nần. Do vậy, bà Liu thường lôi cô và người anh đi khóc thuê. Khi đó cô chỉ mới 11 tuổi. Cô phải thức dậy lúc tờ mờ sáng để luyện tập và thường nghỉ học để đi khóc mướn. Khi đến lớp, bạn học hay trêu chọc cô vì việc khóc thuê và những bộ đồ cô mặc.
“Chúng nói rằng đó là bộ đồ xấu xí, kỳ quặc và ngớ ngẩn. Tôi thực sự cảm thấy tủi thân và nghĩ rằng những đứa trẻ khác không thích tôi”, Liu cho hay.
Liu và người anh, một nhạc công đám ma. |
Khóc mướn thực sự là một nghề cực nhọc và chịu nhiều điều tiếng. “Thỉnh thoảng, trước khi chúng tôi bắt đầu công việc, gia quyến sẽ nói những câu chua chát. Nhưng sau khi làm xong việc, họ sẽ khóc và nói cảm ơn chúng tôi”, Liu nói.
Đó cũng là lúc Liu nhận ra mục đích thực sự của công việc cô làm. “Việc này giúp nhiều người giải tỏa cơn giận hoặc giúp họ nói ra điều lâu nay ngại thổ lộ. Với những người sợ khóc, việc khóc thuê giúp họ rất nhiều”.
Được bà truyền nghề, Liu tập luyện một cách nghiêm túc như một nghệ sĩ và phát triển kỹ năng qua các buổi khóc thuê cực nhọc. Nhờ sự chịu khó và chăm chỉ, cô đã vực gia đình khỏi đói nghèo và trở nên giàu có. Hiện tại, Liu và 2 anh chị đều có nhà riêng, trong khi nhóm khóc thuê của cô kiếm được 600 USD mỗi buổi làm việc.
Tuy nhiên, việc kinh doanh đang có dấu hiệu suy giảm do suy thoái kinh tế và lối sống hiện đại khiến nhiều người không thích làm đám tang theo truyền thống. Người khóc thuê truyền thống đang dần biến mất, nên những người như Jun - Lin sẽ phải tìm cách để duy trì nghề nghiệp hoặc chuyển sang làm nghề khác.
Đó là lý do tại sao cô đã tuyển và quản lý khoảng 20 trợ lý nữ. Họ là những phụ nữ trẻ, ngoại hình khá, để giúp việc cho dịch vụ tang lễ. “Hiện không còn ai khác làm việc này ở phía bắc Đài Loan và công việc trôi chảy hơn tôi nghĩ. Trong ngành khóc mướn này, tôi biết cách tìm ra những cách làm mới mà chưa ai từng thực hiện”, Liu chia sẻ.
Liu cho hay, dù gì đi chăng nữa, cô cũng không bao giờ bỏ nghề khóc mướn. “Tôi phải truyền đạt kinh nghiệm cho những người khác và duy trì truyền thống nhân văn này”.
Bình An
Theo Infonet