Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Để người trẻ hiểu về thế giới tinh thần của cha ông

Theo nhà nghiên cứu Vũ Đức Liêm, lịch sử không chỉ có con số, chuyện đánh giặc ngoại xâm. Các cuốn sách tranh sống động sẽ thu hút người trẻ tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc.

Sach tranh Nam Hai di nhan anh 1

Nhà nghiên cứu lịch sử Vũ Đức Liêm kể thời gian nghiên cứu tại Đại học Humburg, Đức, ông ấn tượng khi bước chân vào các hiệu sách bắt gặp những cuốn như Thần thoại Hy Lạp, Odyssey có minh họa tuyệt đẹp. Đó là cách để thu hút sự quan tâm của thế hệ trẻ với thế giới cổ đại của phương Tây.

Tại Việt Nam, ông Liêm cho rằng chưa nhiều tác phẩm khai thác vốn cổ, đó còn là một khoảng trống. Trong những năm gần đây, bắt đầu có những tác giả, nhà nghiên cứu, người trẻ tìm về cội nguồn dân tộc. Trong số đó, hai cuốn art book Nam Hải dị nhân liệt truyệnTruyền kỳ mạn lục là sự làm mới truyền tích qua góc nhìn hiện đại.

Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, một số tranh trong hai cuốn art book được trưng bày. Đồng thời, các họa sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử, văn học cũng trò chuyện về cách đưa giới trẻ đến với lịch sử cha ông.

Góc nhìn mới về danh nhân hào kiệt, dị nhân

Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm được giới thiệu trong chương trình ngữ văn phổ thông, trong đó có tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương. Tác phẩm gồm 20 truyện, nội dung là những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, được danh sĩ Nguyễn Dữ viết lại bằng thể loại truyền kỳ.

Trong Truyền kỳ mạn lục, mỗi truyện là một mảnh ghép tạo nên bức tranh hiện thực. Ở đó có sự xuất hiện của các nhân vật kỳ ảo như thần tiên, ma quái, các loài vật, cây cỏ thành tinh… Trong thế giới ấy vừa có thần tiên vừa có con người, có hiện thực mà cũng có huyền ảo.

Vượt trên không khí và các chi tiết đậm chất truyền kỳ, người đọc nhận thấy nỗi trăn trở về thời cuộc, tấm lòng trân trọng và ngợi ca nhân cách thanh cao, anh hùng cứu nước, giúp dân…

Sach tranh Nam Hai di nhan anh 2

Họa sĩ Nguyễn Công Hoan minh họa truyện truyền kỳ. Ảnh: K.Đ.

Trong lần tái xuất này, tác phẩm được họa sĩ Nguyễn Công Hoan minh họa. Họa sĩ xứ Huế đã thực hiện 5 bộ tranh khác nhau, cuối cùng lựa chọn được tác phẩm ưng ý nhất để xuất bản.

Những bức tranh giàu sức gợi với những gam màu và hình khối ma mị được thể hiện. Họa sĩ Nguyễn Công Hoan nói khi thực hiện tranh, ông luôn nghĩ ma quỷ đôi khi không phải điều gì ghê gớm, mà ai đó làm điều ác, điều xấu là lúc ma quỷ xuất hiện.

“Dù là những truyện có ma quái, nhưng các câu chuyện trong Truyền kỳ mạn lục luôn đề cao cái thiện, thể hiện quan điểm nhân quả”, họa sĩ Nguyễn Công Hoan nói.

Cũng giống Truyền kỳ mạn lục, Nam Hải dị nhân liệt truyện cũng là sự kết hợp của truyền tích và yếu tố thực. Nam Hải dị nhân liệt truyện viết về những nhân vật có thật trong lịch sử nước ta.

Họ là những đại anh kiệt (như Bố Cái đại vương, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ); bậc danh thần (Hưng Đạo đại vương, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ); bậc đại danh hiền (Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm); bậc văn tài (Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn); bậc mãnh tướng (Phạm Ngũ Lão, Lê Văn Duyệt); vị thần linh ứng (Phù Đổng thiên vương, Lý Ông Trọng); vị tiên tích (Từ Thức, Nguyễn Minh Không); người có danh tiếng (Nhị Khanh, Nguyễn Thị Điểm)…

Sách không liệt kê mọi danh nhân nước Việt mà tập trung vào những “dị nhân”, là những người mà tên tuổi của họ gắn liền với điều khác thường (có hình dáng bất thường, có tài lạ, có sự tích huyền bí, kỳ quái).

Dưới ngòi bút Phan Kế Bính, câu chuyện về họ hòa quyện giữa chi tiết chính sử lẫn yếu tố dã sử, tạo cho cuốn sách không khí vừa chân thực vừa ly kỳ, hấp dẫn, không thiếu chuyện hoang đường, mê tín của văn học dân gian.

Trong cuốn art book Nam Hải dị nhân liệt truyện, Tạ Huy Long dành nhiều thời gian, tâm huyết thực hiện bộ tranh minh họa. Họa sĩ nổi tiếng trong giới minh họa dẫn dắt người đọc đắm chìm trong dòng chảy mỹ thuật cổ Việt Nam, nhưng vẫn mang đậm hơi thở hiện đại.

Cũng như Nguyễn Công Hoan, Tạ Huy Long vẽ nhiều bức minh họa cho tác phẩm, anh cũng loại nhiều bức chưa ưng ý cho đến khi cảm thấy tranh thể hiện tinh thần của truyện và lột tả đúng cảm xúc của người vẽ.

Sach tranh Nam Hai di nhan anh 3

Danh nhân nước Việt qua minh họa của Tạ Huy Long. Ảnh: Đỗ Thu.

Tại sao giới trẻ biết Họa bì mà không hay truyện truyền kỳ của nước ta?

Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đức Liêm đánh giá cao những cuốn sách làm mới tác phẩm cha ông như Nam Hải dị nhân liệt truyệnTruyền kỳ mạn lục.

Ông nói: “Để hiểu cha ông, ta cần những tác phẩm như thế này, đó là cách dẫn lối thế hệ trẻ tìm hiểu về quá khứ. Cha ông ta không chỉ đánh giặc giữ nước, không chỉ trồng lúa, mà còn có đời sống tinh thần phong phú. Thế hệ trẻ chúng ta học lịch sử chỉ thấy quân sự, chính trị. Giờ đây giới trẻ phải biết cha ông đi lại như nào, ăn gì, ở ngôi nhà như nào, mặc gì”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Liêm cho rằng chúng ta đang sống trong một thời đại chuyển đổi quá nhanh. Có nhiều phương thức khác nhau để chuyển tải nội dung, tranh vẽ cũng là một ứng dụng. Các họa sĩ đã bỏ ra 5-7 năm để nâng tầm mỹ thuật, chất lượng sách. Ông Liêm đánh giá đó là hướng đi đúng đắn của ngành xuất bản; thay đổi phương thức tiếp cận, đưa góc nhìn mới vào.

Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu lịch sử Vũ Đức Liêm, ngày nay, chúng ta chuộng những con số, chứng khoán, công nghệ… tất cả là con số; chúng ta cũng số hóa nhiều thứ. Nhưng để hiểu về lịch sử thì không chỉ có con số khô cứng. Lịch sử càng nhiều màu sắc, càng sống động, hấp dẫn.

“Tại sao giới trẻ biết tới phim Họa bì, một chuyển thể từ truyện Liêu trai chí dị, mà chưa biết tới những câu chuyện truyền kỳ nước ta? Chúng ta cần có cách thể hiện mới để giới trẻ muốn tìm hiểu lịch sử, đời sống tinh thần cha ông”, ông Liêm đặt câu hỏi.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Thị Băng Thanh cho rằng người lớn cứ phàn nàn trẻ em thuộc sử nước khác hơn sử nước ta, nguyên nhân chúng ta chưa có cách truyền đạt lịch sử phù hợp.

“Bản thân chúng ta giờ đọc truyện cổ còn khó, huống gì con em chúng ta. Tôi mong những gợi mở của tranh, truyện, giải thích của người làm chú giải có thể tạo nên sự hấp dẫn với các em, gợi mở để các em tìm được điều hay trong kho tàng cha ông”, PGS.TS Trần Thị Băng Thanh nói.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng - cho biết làm sách tranh lịch sử, văn hóa, văn học là một trong những hướng tiếp cận mà nhà xuất bản theo đuổi.

Đơn vị bà đã thực hiện bộ sách Tranh truyện lịch sử Việt Nam hàng chục cuốn, từng được giải thưởng Sách quốc gia và đông đảo bạn đọc đón nhận. Cuốn art book Lĩnh Nam chích quái (Tạ Huy Long vẽ) ra đời cách đây 5 năm cũng được yêu thích, tái bản nhiều lần.

Sách giúp trẻ hiểu phong tục Tết Nguyên đán

Những cuốn sách tranh với màu sắc sinh động, lời văn giản dị, gần gũi giúp thiếu nhi hiểu hơn về phong tục, tập quán, nét đẹp ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Lưu giữ các dòng tranh dân gian Huế

Sau những cuốn sách về tranh Kim Hoàng, Đông Hồ, Hàng Trống, tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa tiếp tục cho ra mắt công trình “Tranh dân gian Huế”.

Quan he giua tien bac va do thoa man hinh anh

Quan hệ giữa tiền bạc và độ thỏa mãn

0

Trên thực tế, hoàn toàn không có mối liên hệ giữa số tiền kiếm được và mức độ thỏa mãn có được từ số tiền đó. Dần dần, người ta đã tỉnh táo nhận ra rằng tiền bạc không những không mua được hạnh phúc, mà còn có thể hủy diệt cả hạnh phúc. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Đỗ ThuS

Bạn có thể quan tâm