Đây là đề xuất của đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang trong buổi chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng nay 29/9.
tình trạng khoáng sản bị khai thác tràn lan gây bức xúc trong dư luận trong thời gian vừa qua. Ảnh minh họa. |
Cụ thể, đại biểu Đương cho biết, việc xử lý vi phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản hiện nay còn quá nhẹ, quá ít, có chăng chỉ dừng lại kiểm điểm với khiển trách.
"Hành vi khai thác khoáng sản trái phép là rút ruột quốc gia, hủy hoại môi trường. Cần xem xét có hay không việc thông đồng của cán bộ có thẩm quyền cấp giấy phép cũng như các tổ chức liên quan. Việc hàng ngày "ăn" vào tài sản quốc gia như vậy cần phải xử phạt với tội tham ô tài sản, hình thức cao nhất là chung thân hoặc tử hình", đại biểu Dương đề xuất.
Ngoài ra, theo đại biểu Đương, không dễ gì người khai thác trái phép có được giấy phép khai thác nên cũng cần truy cứu tội cấp giấy phép khoáng sản trái phép với những cán bộ không làm đúng trách nhiệm.
Đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) cũng bày tỏ cần có giải pháp đột phá để chấm dứt tình trạng khai thác cát sỏi trái phép làm thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, ảnh hưởng cuộc sống người dân tại hai bờ sông Hậu.
Đại diện Bộ Công An cho biết, từ năm 2008 đến nay phát hiện 6.020 vụ, khởi tố 4 vụ 16 đối tượng trong đó có hơn 3.000 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động khảo sát khai thác cát sỏi trên lòng sông.
Đặc biệt, các số liệu thống kê cho thấy trong gần 3 năm (2005-2008), việc cấp phép khoáng sản của các tỉnh là rất lớn, gấp 8 lần trong vòng 12 năm.
Cơ quan chức năng đã phát hiện 103 giấy phép cấp không đúng như tại Vĩnh Long, Quảng Ngãi, 52 giấy phép được cấp khi không có đăng ký kinh doanh ngành nghề, trong đó có nhiều giấy phép không thông qua đấu giá qua khai thác khoáng sản, cấp phép khi không có dự án đầu tư, không có giấy chứng nhận đầu tư, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, khi chưa được phê duyệt trữ lượng khoáng sản...
Công tác quản lý sau cấp phép, một số địa phương chưa thực hiện kiên quyết, sai phạm trong thăm dò, gây hậu quả nghiệm trọng tàn phá môi trường, mất an toàn lao động, gây mất trật tự xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều công ty có giấy phép khai thác khoáng sản nhưng lại xuất khẩu những khoáng sản không được phép. Có công ty khai hàng tồn kho là nhiều nhưng thực tế là không có, điển hình công ty Sơn Hà – Hòa Bình.
Tại Lạng Sơn, doanh nghiệp Anh Thắng khai xuất khẩu 5.000 tấn quặng bô xít nhưng khi kiểm tra lại xin hoãn... có dấu hiệu trong gian lận trong hồ sơ.
Đại biểu Bùi Nguyên Súy yêu cầu Bộ Trưởng Quang cho biết các số liệu cụ thể số giấy phép khoáng sản đã cấp, có thấy sai sót hay tiêu cực gì hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, từ 1/7/2011 đến nay, tức từ sau khi luật Khoáng Sản có hiệu lực, năm 2011 bộ TNMT tạm dừng không cấp phép, năm 2012 có cấp 52 giấy phép, từ năm 2013-đến tháng 9/2014 có cấp 57 giấy phép.
Tuy nhiên, 109 giấy phép này đều là hồ sơ nhận trước 7/2011 và có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian gần đây gần như không nhận hồ sơ mới liên quan tới cấp phép khai thác khoáng sản.
Liên quan tới đề xuất của đại biểu Đỗ Văn Dương về nâng mức xử phạt với tội tham ô khoáng sản cũng như cố tình cấp giấy khai thác khoáng sản trái phép, Bộ trưởng Quang bày tỏ sự đồng tình.
Về việc chưa có báo cáo về kết quả cuối cùng việc xử lý một số đơn vị liên quan đến việc 957 giấy phép khai thác khoáng sản vi phạm (đại biểu Danh Út - Hội đồng Dân tộc chất vấn), Bộ trưởng Quang cho biết, trong số giấy phép này chủ yếu thuộc thẩm quyền địa phương trong việc khai thác cát sỏi và đá xây dựng.
Bộ đã có danh sách 28 tỉnh vi phạm, trong đó có 18 tỉnh đã khắc phục, riêng hai tỉnh Phú Yên và Tây Ninh chưa khắc phục triệt để. Hiện chỉ còn một giấy phép khai thác đá sỏi làm xi măng của tỉnh Điện Biên đang đề nghị Thủ tướng xem xét xử lý.