Helium 3 là đồng vị phi phóng xạ tồn tại rất nhiều trên mặt trăng. Ảnh: Daily Mail |
Bụi mặt trăng do những nhà do thám đầu tiên mang về chứa rất nhiều titanium, platinium và các khoáng chất quý giá. Tuy nhiên, mặt trăng còn chứa helium 3, một chất do gió mặt trời mang tới. Chúng có thể tạo nên cuộc cách mạng trong sản xuất năng lượng trong tương lai. Helium 3 là đồng vị phi phóng xạ rất hiếm trên trái đất, vì bầu khí quyển và từ trường địa cầu ngăn cản helium 3 từ mặt trời đến bề mặt trái đất.
Theo Daily Mail, các nhà khoa học Trung Quốc đang tìm cách khai thác đồng vị helium 3 trên mặt trăng. Giáo sư Ouyang Ziyuan, trưởng nhóm nghiên cứu Chương trình thăm dò mặt trăng của Trung Quốc, cho hay mặt trăng chứa rất nhiều helium 3 và trữ lượng khổng lồ ấy có thể giải quyết nhu cầu năng lượng của con người ít nhất khoảng 10.000 năm.
Fabrizio Bozzato, nghiên cứu sinh tại Đại học Tamkan (Đài Loan), nói con người có thể chiết xuất helium 3 bằng việc nung nóng bụi mặt trăng trong nhiệt độ khoảng 600 độ C, sau đó đưa chúng về trái đất. Ông ước tính khí này có giá trị kinh tế 3 tỷ USD/tấn nên khai thác helium 3 từ mặt trăng hoàn toàn khả thi về mặt kinh tế.
Bắc Kinh thể hiện sự quan tâm đối với helium 3 nhưng vẫn chưa công bố kế hoạch khai thác cụ thể. Bắc Kinh đã ký kết tham gia Hiệp ước Không gian Liên Hợp Quốc, vốn quy định tài nguyên trên mặt trăng là của toàn nhân loại. Nhưng các chuyên gia cảnh báo ngôn ngữ trong hiệp ước còn mơ hồ nên các nước có thể lách luật để khai thác tài nguyên vì mục đích thương mại trên mặt trăng.
Bozzato khẳng định trong một bài viết: "Trung Quốc rất quyết tâm thực hiện kế hoạch khai thác trên mặt trăng trong tương lai. Trung Quốc luôn nói kế hoạch đó mang lại lợi ích cho toàn nhân loại. Tuy nhiên, do thiếu vắng đối thủ cạnh tranh nên có khả năng người Trung Quốc sẽ tìm cách độc quyền khai thác helium 3".