Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Tổng Thư ký Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Trung Quốc-Việt Nam Nông Dung. Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. |
Ngày 5/2, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Tổng Thư ký Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Trung Quốc-Việt Nam Nông Dung nhân dịp có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gửi lời thăm hỏi thân thiết tới các lãnh đạo Bộ Ngoại giao Trung Quốc; hoan nghênh Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nông Dung thăm Việt Nam vào dịp đầu Năm mới 2024 và Tết cổ truyền Giáp Thìn; đánh giá cao mục đích chuyến đi nhằm tiến hành cuộc gặp hai Tổng Thư ký Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt Nam-Trung Quốc để thúc đẩy triển khai thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực trong năm 2024.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ vui mừng trước xu thế phát triển tốt đẹp và những thành quả mang tính lịch sử của quan hệ hai nước sau các chuyến thăm lẫn nhau của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc cuối tháng 10/2022 và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Việt Nam tháng 12/2023; nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của việc hai bên phối hợp triển khai cụ thể hóa các Tuyên bố chung cấp cao, trên tinh thần quyết liệt, hiệu quả, thực chất, vì lợi ích của doanh nghiệp, địa phương và người dân.
Hoan nghênh và đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nông Dung về một số phương hướng, biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ Ngoại giao hai nước cần tiếp tục phát huy tốt vai trò là cơ quan thường trực của cơ chế Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt Nam-Trung Quốc, tích cực điều phối tổng thể các lĩnh vực hợp tác, triển khai tốt Thỏa thuận về làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trong thời kỳ mới giữa hai Bộ Ngoại giao, tập trung vào một số trọng tâm: phối hợp triển khai tốt các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp trong năm 2024; thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác thực chất.
Bộ trưởng đề nghị Trung Quốc tiếp tục tăng cường nhập khẩu hàng hóa, nông sản của Việt Nam; phối hợp tháo gỡ vướng mắc tại một số dự án hợp tác; thúc đẩy hợp tác du lịch bền vững; đẩy mạnh giao lưu nhân dân và hợp tác địa phương; duy trì trao đổi, phối hợp trong các cơ chế, diễn đàn đa phương.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Nông Dung bày tỏ vui mừng thăm lại Việt Nam nhân dịp Năm mới 2024 và Xuân Giáp Thìn - Tết cổ truyền của hai dân tộc Việt Nam-Trung Quốc; nhấn mạnh chuyến đi Việt Nam lần này là nhằm trao đổi sâu rộng, toàn diện giữa hai Bộ Ngoại giao về các biện pháp, phương hướng, nhiệm vụ triển khai quan hệ song phương theo nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai bên.
Báo cáo với Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn về kết quả tốt đẹp của cuộc gặp giữa hai Tổng Thư ký Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt Nam-Trung Quốc diễn ra ngày 4/2, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nông Dung khẳng định phía Trung Quốc mong muốn và sẵn sàng cùng với các cơ quan phía Việt Nam duy trì trao đổi, phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy trao đổi chiến lược cấp cao thông qua thu xếp tốt các chuyến thăm, tiếp xúc song phương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai bên; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực ngoại giao-quốc phòng-an ninh; tiếp tục làm sâu sắc hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, nhất là kết nối chiến lược phát triển, hợp tác về hạ tầng giao thông, thuận lợi hóa thương mại; triển khai tốt các cơ chế, hoạt động giao lưu hữu nghị nhân dân, hợp tác địa phương.
Về vấn đề trên biển, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước về kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đạt tiến triển thực chất.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực.