TS Trần Du Lịch, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Ảnh: HCMC. |
"Vấn đề lớn hiện nay của kinh tế của cả nước là sự phục hồi của thị trường bất động sản, thị trường tài chính và các vấn đề về lãi suất ngân hàng cao", TS Trần Du Lịch, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đề cập tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội ngày 3/3 của TP.HCM.
TS Trần Du Lịch nhìn nhận thời gian qua TP.HCM đã và đang tích cực làm việc với các doanh nghiệp bất động sản, các đơn vị sở, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chứng minh và được tạo niềm tin qua các hành động cụ thể thời gian tới.
"Tôi đề nghị trong công tác điều hành, UBND TP.HCM giao các sở công bố tất cả dự án đang chậm trễ thủ tục, nguyên nhân chậm trễ. Điều này nhằm tạo sự công khai, minh bạch, tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp trong tình hình hiện tại, thể hiện kỷ luật công vụ", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Vị chuyên gia nhìn nhận những vấn đề trên là thách thức rất lớn đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước 6,5% năm 2023, đòi hỏi TP.HCM nỗ lực để kết quả của 6 tháng cuối năm bù đắp thất thoát cho giai đoạn hiện tại.
"Các doanh nghiệp đang chờ động thái của Chính phủ nhưng vẫn chưa có gì rõ ràng. Trong điều kiện lạm phát dưới 4% và lãi suất cao như hiện tại sẽ làm thui chột mọi nỗ lực trong đầu tư phát triển TP.HCM", ông Trần Du Lịch nói.
Trong tình hình này, chuyên gia kinh tế cho rằng TP.HCM cần tìm kiếm các dư địa để nỗ lực phát triển, giữ tốc độ tăng trưởng không suy giảm quá nhiều so với mức 8-8,5%.
"Nếu năm nay chúng ta không giữ được mức tăng trưởng 8-8,5% thì khó khăn sẽ chồng chất năm sau, chuyên đề phục hồi kinh tế sẽ bất lợi", ông Trần Du Lịch nêu quan điểm và cho rằng thành phố cần tập trung để kết quả của 6 tháng cuối năm sẽ bù đắp thất thoát cho giai đoạn hiện tại.
Theo chuyên gia, UBND cần giao Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, Cục Thống kê, Sở Công Thương, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tập trung đánh giá rõ các ngành công nghiệp, dịch vụ có đóng góp nhiều nhất cho thành phố và đề ra các biện pháp để thúc đẩy. Trong đó, các ngành cần tập trung là thương mại, tài chính, bất động sản, du lịch, logistics, xây dựng.
Ngoài ra, ông Trần Du Lịch nhìn nhận nếu trong tháng 5 sắp tới, Quốc hội kịp ban hành Nghị quyết mới, thay thế Nghị quyết 54, TP.HCM không chỉ được giải quyết điểm nghẽn về thể chế mà còn tạo sức bật cho cả thành phố vươn lên.
Về các vấn đề xã hội, chuyên gia đề nghị thành phố giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá lại tình trạng công nhân bị mất việc, giảm việc làm nhằm có phương án hỗ trợ hiệu quả. Bên cạnh đó, ngay trong nửa đầu năm, nếu thành phố khởi công được các dự án lớn được người dân quan tâm như Rạch Xuyên Tâm, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Tham Lương sẽ tạo được khí thế chung cho cả địa bàn để vươn lên.
Ngoài ra, thành phố cũng rất cần động thái từ Chính phủ cho thành phố để giữ vững được niềm tin của thị trường, doanh nghiệp, khơi thông điểm nghẽn để phát triển.
Những cuốn sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.
Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, mang nhiều câu chuyện xâu chuỗi về mảnh đất Sài Gòn ngày tháng cũ, giúp ta giải mã một số giá trị thuộc về và làm nên căn tính của một thành phố, tác giả còn dẫn bạn đọc khám phá lịch sử của vùng đất với độ lùi xa hơn một thế kỷ.