Thông điệp đầu năm của lãnh đạo Kim Jong Un gây chú ý bằng tuyên bố mạnh mẽ: Triều Tiên sẽ chuyển sang sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa trong năm 2018. Tuy nhiên, bài phát biểu còn cho thấy chiến lược mới khôn ngoan của nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng về việc xúc tiến đối thoại trực tiếp với Hàn Quốc, với hy vọng gây chia rẽ liên minh 70 năm giữa Seoul và Washington.
Kim Jong Un đã đề nghị hai miền Triều Tiên nên "gặp gỡ khẩn cấp" và thảo luận về khả năng Bình Nhưỡng tham dự Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc vào tháng tới. Có lẽ ông Kim đã cảm nhận được phần nào căng thẳng gay gắt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.
Cơ hội chia rẽ liên minh 70 năm
Căng thẳng trong quan hệ giữa các đồng minh Mỹ - Hàn kéo dài đã vài tháng. Ông Moon, một người theo chủ nghĩa tự do, ủng hộ chính sách cởi mở với miền Bắc cả về ngoại giao và kinh tế, thậm chí ngay cả khi ông Trump luôn tìm mọi cách để siết chặt cô lập Bình Nhưỡng với các biện pháp trừng phạt ngày càng tăng. Tổng thống Moon cũng bức xúc khi Trump và các cố vấn của lãnh đạo Mỹ trong những tháng gần đây muốn ông ngừng phản đối khả năng Mỹ tấn công quân sự phủ đầu nhằm đối phó với các chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (trái) gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tại Nhà Trắng ngày 30/6/2017. Ảnh: Reuters. |
Suốt một thời gian dài, ông Kim Jong Un hầu như lờ đi Tổng thống Moon, người mà truyền thông Triều Tiên mô tả là "kẻ đầy tớ nhu nhược" của Mỹ. Nhưng sau bài phát biểu năm mới, sự thay đổi mạnh mẽ về giọng điệu và chính sách của Kim Jong Un đối với vấn đề đàm phán song phương giữa hai miền cho thấy Triều Tiên nhìn thấy cơ hội khoét sâu vào sự chia rẽ giữa Trump và Moon. Kim Jong Un đánh cược rằng Mỹ sẽ không thể áp đặt sức ép lớn hơn lên Triều Tiên nếu không có sự đồng thuận của Hàn Quốc.
Nước cờ này có thể phát huy tác dụng. Vài giờ sau bài phát biểu của ông Kim, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In lên tiếng hoan nghênh đề nghị của lãnh đạo Triều Tiên. Song động thái này có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng Hàn - Mỹ.
Ông Kim đang nhìn thấy một cơ hội tốt để đứng về phía người Hàn Quốc, chống lại Tổng thống Trump.
Robert Litwak
"Chúng tôi đã bày tỏ mong muốn sẵn sàng tham gia đối thoại với Triều Tiên vào bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ đâu và với bất cứ hình thức nào, miễn là cả hai có thể thảo luận về việc khôi phục quan hệ và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên", người phát ngôn của tổng thống Hàn Quốc, Park Soo Hyun, cho biết.
Phát ngôn trên nhấn mạnh vai trò của hai miền Triều Tiên trong việc giải quyết khủng hoảng hạt nhân. Trái lại, Tổng thống Trump theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn hơn, tuyên bố không thể có đàm phán nếu không có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên từ bỏ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, và phải có sự nhất trí rằng mục tiêu cuối cùng của mọi đàm phán là một Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn và điều này được kiểm chứng.
"Thời điểm (Kim Jong Un) đưa ra lời đề nghị (đối thoại với Hàn Quốc) kết hợp với việc Bình Nhưỡng tuyên bố sở hữu năng lực tấn công Mỹ, cho thấy sự thay đổi trong tính toán", Robert Litwak, tác giả cuốn "Ngăn chặn hạt nhân Triều Tiên bùng nổ" đồng thời là học giả thuộc Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson, nhận định.
"Ở đây, ông Kim đang nhìn thấy một cơ hội tốt để đứng về phía người Hàn Quốc, chống lại Tổng thống Trump", Litwak cho biết.
Nước cờ tháo gỡ thế cô lập
Theo New York Times, một trong những nguyên nhân khiến ông Kim "mở lời" đề nghị đối thoại với Hàn Quốc có thể là bởi yêu cầu cấp bách của việc đảo ngược các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt được cho là đã bắt đầu "phát tác" đối với Triều Tiên.
Đề nghị đối thoại với miền Nam đưa ra chỉ vài ngày sau khi Washington tập hợp các đồng minh và đối thủ tại Liên Hợp Quốc để ủng hộ lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên.
Thậm chí trước khi điều đó xảy xa, Trung Quốc đã mạnh tay cắt giảm việc vận chuyển trực tiếp các sản phẩm xăng dầu thông qua hệ thống đường ống của nước này đến Triều Tiên và tin tức về việc thiếu hụt nhiên liệu đã lan truyền. Giá xăng đã tăng hơn gấp đôi trong năm qua.
Trong khi Washington vận động cô lập Triều Tiên, nhiều quốc gia, bao gồm Mexico, Peru, Kuwait, Myanmar, Tây Ban Nha, Italy và Đức, đã trục xuất đại sứ Triều Tiên hoặc giảm số lượng viên chức ngoại giao của Bình Nhưỡng. Các quốc gia như Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Kuwait và Qatar cũng bắt đầu "tống khứ" những công nhân Triều Tiên đang ngày đêm làm việc trên những công trường để mang tiền về cho quê hương.
Đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an biểu quyết để thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên hồi tháng 6. Ảnh: AP. |
Tổng thống Moon chính thức ủng hộ việc Liên Hợp Quốc tăng cường các biện pháp trừng phạt như là một công cụ để đưa Triều Tiên quay lại bàn đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân. Trong những tuần qua, chính phủ Hàn Quốc đã bắt giữ hai tàu chở dầu bị nghi ngờ được sử dụng để bán các sản phẩm xăng dầu cho Triều Tiên thông qua hình thức chuyển từ tàu đến tàu trên biển.
Song ông Moon cũng đồng ý với Trung Quốc và Nga rằng đối thoại là điều cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân. Giọng điệu mềm mỏng bất ngờ của nhà lãnh đạo Kim Jong Un có lẽ sẽ khiến cả Moscow và Bắc Kinh tái kêu gọi giải pháp "hai bên cùng đóng băng": Triều Tiên "đóng băng" các vụ thử nghiệm, và đổi lại, Mỹ - Hàn "đóng băng" mọi cuộc tập trận, từ đó việc áp dụng trừng phạt đối với Bình Nhưỡng sẽ bắt đầu được giảm thiểu.
"Sau khi không đi đến đâu với người Mỹ, Triều Tiên giờ đang cố nói chuyện với Hàn Quốc trước và sau đó dùng điều này như là công cụ để bắt đầu đối thoại với Mỹ", giáo sư Yang Moo-jin của Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul nhận định. Ông Yang cho rằng giọng điệu của Bình Nhưỡng là một bước phát triển tích cực trong việc xoa dịu căng thẳng.
Kim Jong Un có thành công?
Những động thái ngoại giao mới diễn ra trong bối cảnh lo ngại về kho hạt nhân của Triều Tiên ngày càng gia tăng. Trong năm 2017, Bình Nhưỡng đạt được những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ, tuyên bố giờ đây có thể tấn công lục địa Mỹ bằng tên lửa.
Dù Triều Tiên chưa chứng minh được việc sở hữu công nghệ hồi quyển đầu đạn, yếu tố then chốt cho để trở thành mối đe dọa hạt nhân, phần đông cho rằng quốc gia này đang ngày càng tiến gần tới năng lực đó. Chính quyền Bình Nhưỡng thì cho rằng mối nguy cơ này đủ lớn để tổng thống Mỹ xem phương án tiến hành tấn công phủ đầu là giải pháp cuối cùng.
Quan điểm đó của Triều Tiên cũng như những màn đấu khẩu quyết liệt từ cả ông Trump và ông Kim đã làm cho Hàn Quốc, nước đặc biệt dễ bị tổn thương nếu chiến tranh nổ ra, phải lo lắng. Những tiến bộ của Triều Tiên cũng đã khiến Washington thúc đẩy các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn trước đây, và loại bỏ những kẽ hở mà các tổng thống trước thường bỏ sót.
Dù năng lực hạt nhân có sự thay đổi, thông điệp đầu năm của ông Kim Jong Un cũng tương tự như năm ngoái: Chương trình hạt nhân của Triều Tiên không thể bị ngăn cản. Và ông Trump đơn giản là hãy học cách chấp nhận thực tế đó.
Trong bài phát biểu lần này, ông Kim còn công bố triển khai kế hoạch "sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo" trong năm nay. Chưa rõ "sản xuất hàng loạt" ở đây có nghĩa là gì, nhưng các quan chức Mỹ ước tính kho hạt nhân của Triều Tiên hiện có từ 20 đến 60 vũ khí. Theo các chuyên gia, trong vài năm tới, số lượng có thể dễ dàng tăng lên gấp đôi hoặc gấp ba, ngang với kho hạt nhân của Anh hay Pháp.
Lãnh đạo Kim Jong Un đứng bên thiết bị được Triều Tiên khẳng định là đầu đạn của tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, các quan chức này cũng bác bỏ thông tin về việc lãnh đạo Triều Tiên giờ đã có "nút hạt nhân" trên bàn, cho rằng đây chỉ là lời đe dọa đao to búa lớn. Hiện nay, Kim Jong Un không thể ra lệnh thực hiện phóng tên lửa hạt nhân chỉ trong vài giây, như tuyên bố của ông. Tất cả các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Triều Tiên đã tiến hành phải mất hàng giờ, đôi khi nhiều ngày, để chuẩn bị cho việc phóng.
Câu hỏi lớn nhất giờ đây là liệu ông Kim có giành phần thắng trong ván bài lần này hay không. Phe cứng rắn ở Hàn Quốc và một số quan chức của chính quyền Trump bày tỏ lo sợ nếu cuộc đối thoại trên bán đảo Triều Tiên khiến căng thẳng tạm thời lắng dịu, thì việc thực thi các lệnh trừng phạt cũng sẽ được nới lỏng.
Quan chức của chính quyền ông Moon nói họ hiểu rõ về chiến lược của Triều Tiên và họ phối hợp chặt chẽ với Washington trong những bước đi của mình. Dù vậy, đối với Tổng thống Moon, các cuộc đối thoại giữa hai miền Triều Tiên sẽ đưa đến một giai đoạn tạm lắng cần thiết sau một năm mà cả ông Kim lẫn ông Trump thường xuyên đưa ra những lời đe dọa gây chiến.
Vốn ngày càng lo lắng về một cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra, ông Moon mong muốn tạo ra một giai đoạn êm dịu trong cuộc đối đầu hạt nhân khi Thế vận hội Mùa đông diễn ra ở Pyeongchang, cũng như muốn lợi dụng đà này để bắt đầu đàm phán với Bình Nhưỡng.
Những cuộc đối thoại như vậy cuối cùng có thể dẫn đến các cuộc đàm phán rộng hơn, mà ở đó Mỹ, Nga và Trung Quốc có thể đưa ra những đãi ngộ về kinh tế và ngoại giao với Triều Tiên để đổi lại việc quốc gia Đông Bắc Á chấm dứt các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Và đó là nơi mà sự bất đồng giữa Hàn Quốc và Mỹ có thể trở thành một vết rạn sâu sắc.
Trong bất kỳ cuộc nói chuyện nào ở tương lai, Triều Tiên được cho là sẽ tìm kiếm những sự nhượng bộ lớn, chẳng hạn như việc cắt giảm trừng phạt, giảm thiểu sự hiện diện quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên sau đó sẽ có thể cố ép Washington chấp nhận thỏa hiệp bằng cách đề nghị chấm dứt các vụ thử nghiệm nhưng không từ bỏ kho vũ khí. Hoặc, như trong quá khứ, Triều Tiên có thể sử dụng các cuộc đối thoại để giảm thiểu tác động từ các lệnh trừng phạt mà không hề có ý định chấm dứt chương trình hạt nhân.
Điều đó về cơ bản sẽ làm đóng băng nguyên trạng mà ông Trump từng tuyên bố không thể chấp nhận.