UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về việc triển khai dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Văn bản này nhằm trả lời đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về triển khai dự án đường cao tốc này.
Về việc hỗ trợ đầu tư bằng thu giá dịch vụ đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương trong 8 năm 2 tháng với mức giá khởi điểm 1.700 đồng/PCU/km (PCU là phương tiện quy đổi lấy xe 5 chỗ ngồi làm chuẩn), TP.HCM cho rằng cần cân nhắc thêm. Lý do mà TP.HCM đưa ra là trạm thu này rất gần so với trạm thu quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc trên địa bàn thành phố có thời gian thu giá tương đối dài.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương có chiều dài toàn tuyến là 61,9 km, vận tốc thiết kế 120 km/h, tổng kinh phí đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Ảnh: Zing.vn. |
Việc hoàn vốn cho dự án nâng cấp quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc và các hạng mục bổ sung sẽ kéo dài đến năm 2033 mới kết thúc. Chủ đầu tư của dự án là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO có lộ trình tăng phí vào đầu các năm 2015, 2020, 2025 và 2030. Do đó, nếu đặt thêm một trạm thu phí gần đó sẽ có thể tăng nặng chi phí cho các chủ phương tiện.
Ngoài vấn đề thu phí, TP.HCM thống nhất với ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải về đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm sớm hoàn thành 2 dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông cho quốc lộ 1 và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Dự án đầu tư đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và dự án đầu tư đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (không đi qua địa bàn TP.HCM) đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2014 và 2017.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương là một phần của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam nối TP.HCM với Tiền Giang. Ảnh: Google Maps. |