Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Để lỗ hổng, tiêu cực trong gói 30.000 tỷ có thể xảy ra'

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, việc sử dụng gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản cần phải được minh bạch và cập nhật thường xuyên để tránh vốn bị dùng sai mục đích.

'Để lỗ hổng, tiêu cực trong gói 30.000 tỷ có thể xảy ra'

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, việc sử dụng gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản cần phải được minh bạch và cập nhật thường xuyên để tránh vốn bị dùng sai mục đích.

- 4 ngày triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, người dân vẫn than khó tiếp cận, trong khi ngân hàng gặp không ít lúng túng trong xác định đối tượng, ông nghĩ như thế nào?

- Khó là bởi hiện nay chính các ngân hàng cũng chưa có tiêu chí rõ ràng. Theo tôi, 5 ngân hàng được chỉ định thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ cần ngồi lại với nhau, cùng với Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đưa ra tiêu chí chung, điều kiện cũng như tỷ lệ cụ thể, cấu trúc sản phẩm, phương án trả nợ… tương tự và đồng bộ.

Cho vay trong gói 30.000 tỷ hay bất cứ gói tín dụng nào, ngân hàng cũng cần phải đảm bảo không để rủi ro. Ở gói hỗ trợ này, quy trình xét duyệt hồ sơ cần được làm rõ ngay từ đầu. Nếu tôi là người vay, muốn vay 800 triệu để mua, tôi sẽ có 160 triệu (20% của 800 triệu) đặt cọc trong tài khoản ngân hàng. Ngân hàng khi đó sẽ có nhiệm vụ làm việc với người dân và cho họ biết, với thu nhập của mình, họ sẽ được vay bao nhiêu, giải ngân bao nhiêu để linh hoạt với thu nhập. Cuối cùng là hợp đồng 3 bên giữa ngân hàng, chủ đầu tư và người vay. Khi xong hợp đồng với chủ đầu tư, người dân mang đến ngân hàng, ngân hàng trả 20% đã thu cho phía người bán, và cầm về sổ đỏ làm tài sản đảm bảo. Như vậy không bên nào gặp rủi ro.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mỗi tháng hoặc nhiều nhất 3 tháng một lần, Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ Xây dựng cần công bố thông tin minh bạch liên quan tới việc triển khai gói 30.000 tỷ để hỗ trợ thị trường. Ảnh: Lan Anh.
 

- Có ý kiến nghi ngại về tính chủ động trong lựa chọn khách hàng của các ngân hàng, đồng nghĩa với việc ngân hàng có thể ưu ái hơn với khách hàng doanh nghiệp, quan điểm của ông?

- Lo ngại này đúng là có cơ sở vì so với cho vay khách hàng cá nhân, khi cho doanh nghiệp vay, ngân hàng sẽ nhàn hơn. Hơn nữa, gói hỗ trợ 30.000 tỷ hiện tại đã chia sẵn tỷ lệ 30% cho doanh nghiệp và 70% cho người dân, song các chỉ tiêu cụ thể cũng như sẽ thực hiện với nhóm nào trước, nhóm nào sau chưa được công bố nên hoàn toàn có thể đặt giả thuyết doanh nghiệp có quyền lợi liên quan sẽ được ưu tiên cho vay trước. Vì thế mà, tỷ lệ 30-70% nên được chia đồng đều cho tất cả các ngân hàng, không để tình trạng mức chia khác nhau mà cuối cùng gộp lại vẫn thành con số chung. Nếu để tình trạng này, có thể xảy ra việc một số ngân hàng cho doanh nghiệp vay nhiều, nhưng cuối cùng vẫn hội tụ lại ở 30% trong khi phần cho người dân thì bị bỏ ngỏ.

Tôi nghĩ có thể chia 30.000 tỷ thành 5 phần bằng nhau. Dĩ nhiên, khi giải ngân sẽ không tránh được chuyện doanh nghiệp có thể nhận tiền trước người dân. Nhưng điều quan trọng là các ngân hàng cần phải đồng đều trong xét duyệt hồ sơ vay vốn. Hiện giờ, ngân hàng nào cũng có bộ phận chuyên trách về khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, vì thế 2 bộ phận này phải song hành làm việc với nhau để tránh chuyện ngân hàng này có tiền, giải ngân tập trung hết cho “chỗ bở” là doanh nghiệp xong sau đó mới đến người dân.

- Đặt địa vị là người quản lý của một trong 5 ngân hàng được chỉ định phục vụ gói 30.000 tỷ, ông sẽ triển khai như thế nào?

- Tôi cho rằng, để thực hiện gói hỗ trợ này có hiệu quả và đồng bộ, tất cả các ngân hàng được chỉ định thực hiện cần xây dựng bộ chỉ tiêu giống nhau, khi nào thực hiện, điều kiện cho vay ra sao, bước nào cho doanh nghiệp, bước nào cho người dân… cần thống nhất. Không thể để tình trạng tùy tiện, muốn giải ngân phần nào trước cũng được. Ngoài ra, ngân hàng cần phải có những sản phẩm tín dụng có cấu trúc phù hợp cũng như hoạch định phương án, cách thức trả nợ gốc, nợ lãi, theo dư nợ gốc hay dư nợ giảm dần, để người dân được chủ động với khoản vay của mình.

Các ngân hàng cũng cần cho người dân đủ điều kiện vay vốn thấy họ được đối xử công bằng, không có chuyện ở nhà băng này thì điều kiện dễ dàng, nơi khác lại chặt chẽ. Đây là gói hỗ trợ để phục vụ nhu cầu mua nhà ở thực của người dân chứ không phải gói để các ngân hàng cạnh tranh nhau, nên phải tránh tình trạng ngân hàng qua điều kiện, cấu trúc sản phẩm để tìm cách nâng cao vị thế cạnh tranh hay thương hiệu của mình. Người đi vay trong trường hợp này không phải đang lựa chọn nơi phù hợp, mà là lựa chọn chỗ nào họ tin tưởng, được đối xử công bằng.

- Còn chuyện ngân hàng không chắc chắn giải ngân 80% giá trị hợp đồng như cam kết, ngay cả khi người dân đã đóng đủ 20% liệu có phải là đang “làm khó” người vay?

- Có thể, ngân hàng không cam kết tài trợ tối đa là do công trình người đi vay định mua vẫn còn dang dở. Do đó, doanh nghiệp cần có đủ hồ sơ, thế chấp, báo cáo tài chính để xin được cấp tín dụng xây dựng trong số 30% của 30.000 tỷ mà hoàn thiện. Khi hoàn thiện và có sổ đỏ, sau đó bán ra, khách hàng đi mua mới mong được ngân hàng tài trợ ở mức tối đa. Còn ngay cả trường hợp bình thường hay gói 30.000 tỷ, ngân hàng không bao giờ nắm đằng lưỡi, chịu rủi ro, nhất là khi nợ xấu và những vấn đề liên quan đến tranh chấp tài sản thế chấp diễn ra nhiều trong thời gian qua. Các ngân hàng khi đó cũng cần có quy trình để đảm bảo kiểm soát được rủi ro, thay vì giải ngân lung tung không theo quy luật.

- Còn việc một số người lo ngại nguồn vốn sẽ bị lợi dụng để sử dụng cho doanh nghiệp “sân sau”, ông nghĩ sao?

- Không ai có thể kiểm soát được điều này. Tuy nhiên, gói hỗ trợ 30.000 tỷ là dự án mang tầm quốc gia, nên bắt buộc ban lãnh đạo các ngân hàng phải vào cuộc, ngay cả cấp cao nhất là hội đồng quản trị, ban điều hành, ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ, chứ không thể để cho mấy ban thẩm định… đi thẩm định dự án. Thậm chí, cần phải quy định nếu đồng tiền bị sử dụng sai mục đích, chủ tịch HĐQT ngân hàng phải đứng ra chịu trách nhiệm. Vì nếu không cẩn thận mà có lỗ hổng, thì chuyện nguồn vốn bị lợi dụng hoàn toàn có thể xảy ra. Người Mỹ có một câu nói khá hay là “tin tưởng thì tốt, nhưng kiểm tra và kiểm soát còn tốt hơn”, tôi thấy nên được áp dụng trong trường hợp này.

Lan Anh

Theo Infonet

Lan Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm