Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Để không tụt hậu, phải tăng năng suất

Mức tăng trưởng tuy cao nhưng còn dưới kỳ vọng do năng suất lao động thấp là điều mà nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại. Tăng năng suất được cho là vấn đề quan trọng.

Ngày 13/12, Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) với chủ đề “Tăng năng suất - đòn bẩy cho phát triển bền vững”.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tăng năng suất đang ngày càng đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam do đó được chọn là chủ đề của diễn đàn năm nay.

Tăng năng suất là chìa khoá cho tăng trưởng

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) từng chỉ ra rằng, nếu chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 6%/năm, thì phải gần 20 năm nữa, Việt Nam mới đạt mức thu nhập bình quân đầu người gần bằng mức mà Malaysia đã đạt trong năm 2010 và hơn 10 năm nữa mới bằng Thái Lan.

Cơ quan này cảnh báo nguy cơ tụt hậu là có thật. Cơ hội thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực vì thế cũng phần nào sút giảm.

Nhiều chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi tăng trưởng 6,7% liệu đã đủ chưa. Làm sao để Việt Nam có thể thoát bẫy thu nhập trung bình, tránh nguy cơ tụt hậu và thu hẹp khoảng cách phát triển? Làm thế nào để kinh tế Việt Nam phát triển trong khi động lực tăng trưởng cũ đã dần tới hạn?

tang truong kinh te viet nam co nguy co tut hau anh 1
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng . Ảnh: Báo Đầu Tư.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên.

Cách thức tăng trưởng đó đã không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay, khi tình hình thế giới và cả trong nước đã có nhiều thay đổi, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, cách thức tăng trưởng cũ không thể giúp chúng ta gia tăng thu nhập một cách nhanh chóng và bền vững để nâng cao mức sống cho người dân và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tăng năng suất mới chính là chìa khóa đưa đến tăng trưởng bền vững. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi đối với kinh tế Việt Nam hiện nay.

tang truong kinh te viet nam co nguy co tut hau anh 2

Ông cũng cho rằng Việt Nam vẫn còn dư địa và cơ hội lớn để gia tăng tốc độ tăng năng suất bằng cách phân bổ lại nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu thành phần kinh tế; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi cơ cấu nội ngành để tăng năng suất nội ngành của nền kinh tế.

Để khai thác và tận dụng tốt các cơ hội nói trên, có nhiều việc phải làm. Trong đó, có thực hiện chính sách cạnh tranh toàn diện trên cả ba phương diện, đó là xây dựng và phát triển đồng bộ các loại thị trường; tăng quy mô và mức độ cạnh tranh thị trường; đảm bảo cạnh tranh công bằng và bình đẳng.

5 nhóm giải pháp để tăng năng suất

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tăng năng suất đang có vai trò ngày càng quyết định đối với tăng GDP của Việt Nam. Tăng năng suất lao động đóng góp tới 89% tăng trưởng GDP năm 2017. Giai đoạn 1990-2000 chỉ là 66,3%; giai đoạn 2000-2012 chỉ là 61,9%.

Theo Thủ tướng, việc nâng cao năng suất đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa để gia tăng tốc độ tăng năng suất. Đó là phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất.

tang truong kinh te viet nam co nguy co tut hau anh 3
Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP.

Nhìn tổng thể, không chỉ có việc nâng cao năng suất của người lao động mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, năng suất vốn và quan trọng nhất là phải nâng cao được năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP).

Thủ tướng cũng nêu một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tiếp tục nâng cao năng suất, tạo đòn bẩy cho phát triển bền vững thời gian tới.

Thứ nhất, để nâng cao năng suất vốn, hiệu quả sử dụng nguồn lực. Việt Nam đang tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống ngân hàng, các thị trường tài chính theo hướng tăng quy mô, tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh.

Thứ hai, để cải thiện năng suất lao động, Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên bố trí nguồn lực đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục và đào tạo nhằm cải thiện trình độ và kỹ năng lao động. Từ đó giúp người lao động có thể phát triển sinh kế, làm chủ được sự nghiệp của bản thân, có động cơ làm việc tốt hơn, phát huy tối đa sức sáng tạo.

Thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất còn thấp, chiếm trên 42% lực lượng lao động, sang khu vực công nghiệp, dịch vụ có năng suất cao hơn hướng tới một nền sản xuất đem lại giá trị nhiều hơn với nguồn lực ít hơn.

tang truong kinh te viet nam co nguy co tut hau anh 4
Thủ tướng cho rằng Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng năng suất. Ảnh: Lê Quân.

Thứ ba, nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp TFP là nhiệm vụ đang được Chính phủ quan tâm với việc tăng cường đầu tư cho khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Chính phủ cũng tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, kết nối thông minh, cải thiện môi trường kinh doanh…

Thứ tư, Việt Nam cũng đang chủ động hội nhập quốc tế trên tinh thần phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA với EU và RCEP.

Thứ năm, để có thể thực hiện hiệu quả những biện pháp đòn bẩy tăng năng suất nêu trên, Chính phủ sẽ kiên định giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phát huy dân chủ cho mọi người dân, đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm.




Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm