Với hơn 90% hội viên không còn trẻ, tuổi trung bình hội viên khoảng 60 tuổi, hội Nhà văn Hà Nội phải đối mặt với vấn đề già hóa trong đội ngũ. Đâu đó ví von Hội như tổ sinh hoạt của các cụ hưu trí, bởi hoạt động nào, sự kiện gì của hội cũng toàn thấy những mái đầu bạc áp đảo.
Đếm không nổi 5 người thuộc thế hệ 8X
Nhà thơ Vi Thùy Linh có 21 năm làm nghề văn chương, là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội 17 năm nay, và là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam 10 năm nay. Nhưng chị bảo “Tôi chẳng hãnh diện gì, khi lúc nào mình cũng là người trẻ nhất: Tôi trẻ nhất trong tư thế được kết nạp, trẻ nhất khi được vào Hội, trẻ nhất được đọc tham luận hôm nay… Mà tôi đã 37 tuổi rồi!”
Thi sĩ nổi loạn một thời cho biết, chị đã cố gắng đếm, thế hệ 8X như chị có không nổi 5 người trong số hơn 600 hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Vi Thùy Linh nhận định, ranh giới trẻ – già không nằm trong chứng minh thư, tuổi sinh học của mỗi nhà văn, nhưng sinh lực cũng có ảnh hưởng tới sức sáng tạo của người cầm bút.
Những mái đầu bạc luôn áp đảo tại các hoạt động của Hội. Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Vi Thùy Linh nhận định, tuổi sinh học cao, cùng tư duy thiếu đổi mới sẽ “kéo chậm, ghì vít” sáng tạo người cầm bút.
“Dân số già là một vấn đề đối với bất cứ tổ chức nào. Tại sao chúng ta không coi trẻ là sung sức? Khi họ đang trẻ, hãy trao cho họ cơ hội, chức trách, để họ trưởng thành, cống hiến” – Vi Thùy Linh đề nghị.
Đau đáu với thực trạng già hóa đội ngũ, tác giả Dệt tầm gai không quên nhìn lại thế hệ mình. Theo chị, người trẻ cầm bút không thiếu, có những người trẻ trong Hội, nhưng họ vẫn chưa mặn mà lắm với các hoạt động của Hội.
Quyết trẻ hóa đội ngũ
Về tầm quan trọng của người trẻ trong Hội, nhà thơ Hữu Việt – thành viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội – nhận định: “Nói cho cùng ra, chất lượng hội viên sẽ quyết định chất lượng sáng tác. Phải có người trẻ thì mới có thế hệ kế cận, hội viên trẻ sẽ làm nên chất lượng sáng tác của văn học trong tương lai”.
Các thành viên Ban chấp hành mới coi phát triển hội viên trẻ là mục tiêu trọng tâm của nhiệm kỳ 2016-2020. Ảnh: NT. |
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến ở nhiệm kỳ 11 là trưởng ban Công tác Nhà văn Trẻ của Hội, đến nhiệm kỳ này là Phó Chủ tịch Hội, nên ông rất coi trọng phát triển hội viên trẻ. Ông khẳng định: “Đời sống văn học trẻ chính là hơi thở của văn học tương lai đất nước. Chúng tôi hứa công tác văn trẻ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Hội, nhằm bồi dưỡng lực lượng kế cận, đương đại”.
Nhằm thực hiện mục tiêu, Phó Chủ tịch Hội đưa ra một số giải pháp cụ thể: “Năm 2015 chúng ta có hội nghị viết văn trẻ sau 22 năm gián cách. Nhưng ngay trong nhiệm kỳ này, Ban chấp hành Hội sẽ tổ chức hội nghị viết văn trẻ luôn”.
Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhà văn trẻ chưa nhiều người chú trọng các hoạt động của Hội, nên Ban chấp hành mới sẽ tạo các sân chơi, sinh hoạt cho người trẻ như hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật.
“Một giải thưởng văn học dành cho người trẻ, cây bút mới sẽ được thực hiện hàng năm. Giải thưởng này cùng các hoạt động nhằm khuyến khích các cây bút trẻ đang sáng tác trên địa bàn Hà Nội tham gia vào Hội” – Nguyễn Việt Chiến nói.
Tân Chủ tịch Hội, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, khẳng định phát triển hội viên trẻ là một trong các mục tiêu chính của Hội trong nhiệm kỳ mới. Nhằm trẻ hóa đội ngũ, bà Thu Huệ đưa ra giải pháp, sẽ tìm kiếm các cây bút mới, có tài năng, sáng tạo mời tham gia Hội chứ không chờ họ làm đơn, xét duyệt.