Thông tin trên được nhà xuất bản HarperCollins của Úc xác nhận. Sức khỏe của Colleen McCullough trở nên tệ hơn trong những năm gần đây, bà bị mờ mắt, viêm khớp gây tê liệt chân tay. Tuy nhiên, nữ nhà văn này vẫn tiếp tục công việc viết lách thông qua sự hỗ trợ.
Shona Martyn (thuộc nhà xuất bản HarperCollins) ca ngợi Colleen McCullough vì bà là một trong những nhà văn đầu tiên của nước Úc đã thành công vang dội trên văn đàn thế giới. “Chúng tôi sẽ nhớ bà ấy rất nhiều” - Shona Martyn thổ lộ.
Nữ nhà văn Colleen McCullough. |
Tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai bán hơn 30 triệu bản trên toàn thế giới và còn được chuyển thể thành phim, kịch…
Shona Martyn thêm rằng nữ Colleen McCullough vẫn thường đưa bản thảo tác phẩm mới mỗi khi người của nhà xuất bản đến đảo thăm bà. Tác phẩm gần đây nhất của bà là Bittersweet được xuất bản vào năm 2013.
Colleen McCullough sinh 1937, tại Wellington, thuộc rìa Tây của New South Wales. Là một nhà khoa học về thần kinh, bà đã làm việc ở nhiều bệnh viện Anh quốc và Úc trước khi trải qua 10 năm nghiên cứu và giảng dạy tại khoa Thần kinh học tại đại học Yale ở New Haven, Connecticut – Mỹ. Sau kết hôn cùng Ric Robinson, bà sống ở đảo Norforlk.
Tiếng chim hót trong bụi mận gai được xếp ngang hàng với Cuốn theo chiều gió. Xuyên suốt tiểu thuyết này là câu chuyện tình giữa Meggie và vị cha xứ Ralph. Không chỉ có mỗi tác phẩm lừng danh này, Colleen McCullough còn có nhiều tác phẩm khác: Người đến từ thành Rome, Cuộc chạy trốn của Morgan, The Touch, The Song of Troy, Angel Puss… Tổng cộng, bà viết 25 tác phẩm trong suốt sự nghiệp của mình và Tiếng chim hót trong bụi mận gai là tiểu thuyết thứ hai sau quyển đầu tiên có tên Tim.
“Hãy an nghỉ Colleen McCullough. Tôi không thể nghĩ ai có tuổi thơ khốn khổ như vậy nhưng lại có một cuộc đời rực sáng với những thành tích huy hoàng như thế” - Richard Glover, một người dẫn chương trình của đài truyền hình Úc viết trên Twitter.
Nhà văn Tara Moss viết: “Thật buồn khi biết tin Colleen McCullough qua đời. Bà là người nhiệt tình, hài hước, rất ủng hộ những nhà văn khác. Hãy yên nghỉ…”