Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tọa đàm những cuốn sách gây 'ô nhiễm' môi trường xuất bản

Ông Đỗ Quý Doãn cho rằng hiện trạng những đơn vị lợi dùng nhà xuất bản, chạy theo số lượng và lợi nhuận… dẫn đến thực trạng sách “xấu” là vô cùng nhỏ, nhưng cần phải loại bỏ ngay.

Thực trạng của ngành xuất bản

Năm 2014, ông Chu Hòa Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, bộ TT-TT cho biết có hơn 250 triệu bản sách phục vụ độc giả toàn quốc, trong đó có nhiều bộ sách hay phục vụ cho thanh thiếu niên, nhi đồng.

Đây là một bước phát triển đáng ghi nhận của ngành trong giai đoạn khó khăn hiện nay và đa số các đầu sách này là dạng sách liên kết (nhà xuất bản liên kết với đơn vị làm sách) chiếm hơn 70% sống lượng. Trong đó, sách dành cho đối tượng độc giả là thanh thiếu niên, nhi đồng được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tốt, thời gian hiện nay có một thực trạng đang nóng lên về các ấn bản phẩm mắc phải những sai sót nghiêm trọng, sách “xấu”, xuất hiện nhiều trong thể loại dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng… đã khiến dư luận xã hội bức xúc, làm giảm uy tín của những người làm xuất bản chân chính.

Quang cảnh buổi tạo đàm
Quang cảnh buổi tạo đàm "Những cuốn sách làm ô nhiễm môi trường giáo dục thanh thiếu niên và Thực trạng - Giải pháp".

Trước thực trạng “nóng” này, ngày 21/1, Hội Xuất bản Việt Nam đã kết hợp với Sở Thông tin – Truyền thông TP HCM tổ chức cuộc toạ đàm với nội dung “Những cuốn sách làm “ô nhiễm” môi trường giáo dục thanh thiếu niên – Thực trạng và Giải pháp”.

Mở đầu hội nghị, ông Lê Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nêu thực trạng: “Trong năm 2014, có 399 xuất bản phẩm vi phạm bị phát hiện xử lý và xử phạt hành chính đến hàng tỷ đồng. Biểu hiện của các dạng sách làm "ô nhiễm" môi trường giáo dục thanh thiếu niên, đó là loại sách giáo dục lịch sử, đạo đức, cung cấp kiến thức khoa học, từ điển.... có chất lượng kém, biên soạn cẩu thả, nội dung nhảm nhí, phản cảm, kiến thức và ngôn từ đã lạc hậu thậm chí sai”.

Ông
Ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM và ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chủ trì buổi toạ đàm.

Nguyên nhân được ông Hoàng chỉ ra là do các giám đốc, tổng biên tập các đơn vị xuất bản quản lý lỏng lẻo về mặt quy trình xuất bản, thủ tục pháp lí; đội ngũ biên tập viên hạn chế về số lượng, yếu về chuyên môn biên tập mà khối lượng công việc quá lớn...

Một chuyên gia đặt câu hỏi: “Phải chăng sách “xấu”, sách “ô nhiễm” xuất hiện là do mối quan hệ cộng sinh giữa nhà xuất bản và đơn vị liên kết làm sách. Khi họ có tất cả nhưng không có giấy phép?”.  

Cũng có đại diện của nhà xuất bản chia sẻ về tình trạng sách lậu vẫn tiếp diễn: “Sách của chúng tôi xuất bản và bán ra thị trường chưa được bao lâu thì đã có người làm ra sách lậu với chất lượng vô cùng tệ. Một trường học đặt mua 100 cuốn sách giả mà không biết về phát thưởng cho học sinh và phát hiện nhiều sai sót đã gọi điện đến mắng chúng tôi. Chúng tôi đã phải xuất ra 100 cuốn sách thật đổi lấy 100 cuốn sách giả mà trường học này mua phải để bảo vệ uy tín của mình”.

Một số mẫu sách vi phạm quy định Luật Xuất bản.

Sách xấu chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh"

Trên góc độ người quản lý xuất bản, ông Đỗ Quý Doãn – Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam phát biểu: “Ngành Xuất bản Việt Nam đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ nên không thể tránh khỏi những khuyết điểm. Đây là giai đoạn khó khăn của ngành Xuất bản nói chung và các lĩnh vực liên quan đến in ấn nói riêng bởi sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin, của những đối tượng làm sách lậu…”.

“Một cuốn sách được viết ra, xuất bản và sống trong lòng độc giả rất khó khăn. Có những tác giả, suốt một cuộc đời tích luỹ, chiêm nghiệm mới “đẻ” một cuốn sách tâm huyết và không viết được cuốn nào khác. Nhưng đối xử của xã hội với công sức của họ lại vô cùng… rẻ” – ông Doãn phân tích nguyên nhân ít người tận tâm tận lực để viết ra những tác phẩm hay phục vụ độc giả.

Ông Doãn cũng chỉ ra, chủ trương liên kết giữa nhà xuất bản với các đơn vị làm sách tư nhân là hoàn toàn đúng đắn. Hiện cả nước có 63 nhà xuất bản, 75% có số vốn dưới 2 tỷ đồng. Hàng năm số tiền đầu tư cho các nhà xuất bản chỉ đủ làm từ 3 đến 5 cuốn sách là… hết không còn một đồng.

Do vậy, việc tham gia của đơn vị liên kết là điều đáng trân trọng, con số 70% số sách xuất bản là sách liên kết, nhiều bộ giá trị, đầu tư hàng tỷ đồng đã nói lên điều đó. Hiện trạng những đơn vị lợi dùng nhà xuất bản, chạy theo số lượng và lợi nhuận… dẫn đến thực trạng sách “xấu” là vô cùng nhỏ, nhưng là “con sâu làm rầu nồi canh” gây hậu quả lớn cần phải loại bỏ ngay.

Ông Đỗ Quý Doãn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam trình bày tham luận tại buổi toạ đàm.

Về các quy định xuất bản, liên kết xuất bản hoàn toàn không có sơ hở vì đã giao trách nhiệm cho tất cả những đơn vị, các nhân thực hiện công tác xuất bản. Một cuốn sách muốn xuất bản phải qua nhiều công đoạn, quy trình biên tập, kiểm tra, nộp lưu chiểu, phải được Giám đốc, Tổng biên tập kiểm tra kĩ lương và kí quyết định xuất bản mới được xuất bản. Từ đó việc sai sót sẽ được làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, cho nên việc liên kết có bao nhiêu phần trăm đi nữa cũng không thoát ra khỏi quy định được. “Chỉ cần anh làm đúng theo luật, theo đúng quy trình thì đã không sai rồi. Cơ bản là các anh có muốn làm hay không thôi” – ông Doãn phát biểu.

Kết thúc phần tham luận, ông Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh giải pháp của Hội Xuất bản: Phát huy vai trò của Hội Xuất bản trong việc tổ chức các sinh hoạt chuyên môn về nghiệp vụ xuất bản; hướng đến các công việc thực tế, những vấn đề “nóng” mà các đơn vị xuất bản quan tâm, tránh hiện tượng hành chính hóa; thường xuyên cập nhật, giới thiệu thông tin về các nền xuất bản trên thế giới, gián tiếp hoặc trực tiếp gợi ý cho các nhà xuất bản những mảng đề để khai thác, tránh tình trạng để các đơn vị tạo nên sự khủng hoảng thừa; phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa đọc trên địa bàn thành phố.

Giải pháp nào cho thị trường sách?

Điều hành buổi toạ đàm, ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP HCM nêu lên các giải pháp của Sở: Năm 2015 TP HCM sẽ tiến hành quy hoạch Xuất bản – In - Phát hành.

Sở Thông tin truyền thông sẽ tham mưu đề xuất thực hiện một số dự án nâng cao chất lượng năng lực hoạt động Xuất bản - In - Phát hành cũng như đề xuất nâng cấp hiện đại hóa cơ sở vật chất đối với một số nhà xuất bản, huy động các nguồn lực tham gia vào hoạt động Xuất bản - In - Phát hành, ưu tiên phát triển xuất bản phẩm điện tử.

Sở sẽ phối hợp với một số trường đại học mở lớp đào tạo bồi dưỡng về Xuất bản – In - Phát hành mở lớp đào tạo biên tập viên; tham mưu đề xuất kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Xuất bản 2012.

Thời gian tới, đơn vị này cũng tiến hành thanh tra rà soát, phân loại các doanh nghiệp hoạt động liên kết xuất bản, căn cứ vào kết quả phân hạng và đánh giá tín nhiệm đối với từng đơn vị. Đặc biệt, Sở sẽ biểu dương các doanh nghiệp liên kết xuất bản có thành tích tốt, chấp hành tốt chính sách của nhà nước để nhân rộng những gương điển hình.

Sở Thông tin - Truyền thông cũng tham mưu ủy ban kiến nghị thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi cho các đơn vị làm sách. Đưa ra tiêu chí, quy định đối với nhà xuất bản để xây dựng lộ trình thích hợp ưu tiên giả thuế cho các đơn vị liên kết xuất bản có truyền thống chấp hành tốt pháp luật; có chính sách ưu đãu lãi suất cho vay đầu tư vốn đối với các doanh nghiệp đạt tín nhiệm cao trong ngành xuất bản.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp với Ban tuyên giáo Trung Ương, Cục Xuất bản trong công tác hậu kiểm và tuyên truyền pháp luật, quy định.

Trường Nguyên

Bạn có thể quan tâm