Hai tháng sau khi phát hiện gối dầm cao su đầu tiên bị rơi tại metro số 1, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM tiếp tục ghi nhận thêm một gối dầm xô lệch khỏi vị trí.
"Phải rà soát lại toàn bộ các gối cao su trên tuyến. Lần đầu có thể nói là sự cố cá biệt nhưng đến nay lại phát hiện thêm thì không thể không rà soát", ông Nguyễn Văn Nhậm, chuyên gia cầu đường, nguyên giảng viên Đại học GTVT, nhận định.
Lỗi sơ đẳng
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Nhậm đánh giá hiện tượng xô lệch hay rơi gối cao su tại dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là lỗi sơ đẳng, sinh viên ngành cầu đường cũng đã được học và có thể lý giải được.
"Các hệ thống điện tử, thông tin tín hiệu của metro thì tôi không dám bàn, nhưng thi công cầu cạn thì không có gì phức tạp, thậm chí là dễ nhất trong các loại cầu", ông Nhậm nhận định.
Mỗi nhịp dầm hộp được bắc lên 2 trụ cầu thông qua vị trí của 4 gối cao su (vòng màu đỏ). Ảnh: Ngọc Tân. |
Theo thiết kế cầu cạn của tuyến metro số 1, mỗi nhịp dầm hộp sẽ được bắc lên 2 bên trụ cầu thông qua 4 gối cao su. Đây là 4 điểm chịu lực từ dầm hộp đè xuống trụ cầu. Nếu được đặt đúng, gối cao su không thể rơi ra ngoài vì chúng bị kẹp chặt giữa đáy dầm và đỉnh xà mũ.
Theo ông Nhậm, nhiệm vụ của đơn vị thi công là phải căn chỉnh để trọng lượng của dầm hộp dàn đều lên 4 gối cao su. Nếu chỉ có 3 gối chịu tải, gối còn lại nằm thấp hơn thì nó sẽ không chịu lực, dần dần bị xê dịch rồi rơi khỏi trụ cầu như đã xảy ra hồi tháng 11/2020.
Trên thực tế, có trường hợp lúc đặt dầm lên thì điểm tiếp xúc của 4 gối cao su đều khít, nhưng qua thời gian, sự co ngót bê tông có thể khiến các điểm tiếp xúc này trở nên cập kênh. Khả năng này có thể xảy ra bởi thời điểm lắp đặt cầu cạn đến nay đã 4 năm.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng mức độ co ngót vật liệu đều phải nằm trong tính toán của đơn vị thi công. Để giải quyết vấn đề, nhiều công trình cầu cạn có thiết bị cố định gối cao su để đảm bảo chúng không rơi ra ngoài. "Tôi thấy cần phải có thêm thiết bị cố định gối cao su tại metro số 1", ông Nhậm chia sẻ.
Ngoài chức năng là đệm đỡ giữa dầm và trụ cầu, các gối cao su còn có chức năng quan trọng là co giãn, đàn hồi qua lại theo hình bình hành khi kết cấu dầm bê tông giãn ra hoặc co vào theo nhiệt độ môi trường. "Quá trình đặt dầm thường phải lựa chọn thời điểm nhiệt độ trung bình, để khi thời tiết thay đổi theo hướng nóng hơn hoặc lạnh hơn thì gối cao su sẽ biến dạng ở mức vừa phải", chuyên gia cầu đường phân tích.
Khắc phục thế nào?
Công trình xảy ra lỗi có thể do thiết kế kỹ thuật sai, hoặc nhà thầu thi công sai. Nhưng với hạng mục đơn giản như cầu cạn, khả năng sai từ thiết kế là rất ít. Và nếu sai do thiết kế thì thì đây là lỗi nghiêm trọng, phải sửa lại toàn tuyến.
Chuyên gia Nguyễn Văn Nhậm nghiêng về khả năng có sai sót trong khâu thi công và nhà thầu phải chịu trách nhiệm chính cho việc này.
Đáy dầm tiếp xúc với đỉnh xà mũ tại hai gối cao su hai bên. Hai cục bê tông nhô lên ở giữa là trụ chống xô với chức năng đảm bảo dầm hộp không bị xê dịch theo chiều ngang. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ngay sau sự cố rơi gối cao su hồi tháng 11 năm ngoái, ông Nhậm và một cán bộ Cục Giám định Nhà nước đã đến hiện trường để đánh giá tình hình.
"Tôi đứng trên đường ray nhìn xuống, mặt ray đang phẳng bỗng lõm xuống một nhịp, tấm bê tông đỡ ray nứt vỡ. Tôi đòi họ bắc thang từ dưới lên để nhìn kỹ đáy dầm nhưng trời tối nên không kịp làm", ông Nhậm nói và cho biết bản thân vẫn lo ngại đáy dầm đã va vào trụ chống xô dẫn đến hư hỏng bê tông.
Bên cạnh việc yêu cầu nhà thầu giải trình, ông Nhậm cho rằng chủ đầu tư nên thuê một đơn vị tư vấn độc lập để xác định nguyên nhân và đề ra biện pháp sửa chữa. Nếu nguyên nhân thuộc về nhà thầu, họ phải có trách nhiệm thanh toán chi phí cho đơn vị tư vấn, đồng thời sửa chữa hư hỏng theo phương án được chủ đầu tư và tư vấn giám sát chấp thuận.
"Dù là lỗi gì, nếu không phải do thiết kế thì phía nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm. Họ trốn tránh trách nhiệm thì chủ đầu tư có quyền không thanh toán. Anh không chịu sửa chữa thì tôi trừ tiền và thuê người khác làm", ông Nhậm nói.
Metro số 1 đã hoàn thành hơn 80% khối lượng. TP.HCM đặt mục tiêu đưa tuyến này khai thác thương mại vào cuối năm 2021. Do đó, mọi hư hỏng phát sinh trên công trường đều có nguy cơ cản tiến độ, làm đổ bể mục tiêu của thành phố.