Để trẻ yêu thích việc đọc sách, ngay từ đầu, cha mẹ hãy để con mình được chơi với sách như những người bạn theo đúng nghĩa đen. Phải biết thì mới có thể yêu quý, mới biết trân trọng một điều gì đó.
Ở những bước khởi đầu, cha mẹ nên chọn cho con những quyển sách sặc sỡ, nhiều hình ảnh để cuốn hút sự chú và sự tập trung của trẻ. Nếu nhà cửa có bề bộn hơn khi những cuốn sách bị vung vãi khắp nơi cũng chẳng phải là điều gì quá ghê gớm vì trong giai đoạn này rất cần sự lộn xộn đáng yêu ấy.
Thậm chí, cha mẹ có thể cho vào thùng đồ chơi vài ba quyển sách để con có thể mang ra chơi hoặc xem bất cứ lúc nào. Hãy để trẻ được tự do chơi đùa, xếp hình với những quyển sách của mình.
Khi trẻ chưa thể tự đọc thì chính là khoảng thời gian quý báu để cả nhà gần gũi, gắn kết nhau hơn qua từng trang sách. Cha mẹ nên dành những thời điểm cố định trong ngày để cùng con đọc truyện, xem tranh hay kể chuyện bằng sách. Thích hợp nhất là 15 đến 20 phút trước khi đi ngủ. Để rồi với những đứa trẻ được cha mẹ thường xuyên đọc sách cho nghe sẽ luôn là những kỷ niệm ấu thơ chẳng thể nào quên.
Hơn thế nữa, qua những câu chuyện thần thoại, cổ tích mang tính nhân văn, trẻ sẽ được vun đắp nhiều hơn trí tưởng tượng, sự tự tin cũng như sự quan tâm, chia sẻ, cảm thông cùng những người xung quanh, biết đặt mình vào hoàn cảnh người khác hoặc ước mơ trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều nghiên cứu cho thấy, được tiếp xúc thường xuyên với sách ngay từ bé sẽ giúp trẻ phát triển tư duy, trí tưởng tượng, sự sáng tạo…
Khi con đã có thể tự mình đọc được những quyển truyện tranh, cha mẹ nên thường xuyên cùng con trao đổi về nội dung câu chuyện, đặt câu hỏi xoay quanh các các nhân vật đã được nhắc đến. Đó chính là cách hữu hiệu để giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ, diễn đạt điều mình suy nghĩ và áp dụng vào cuộc sống thực tế.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể khuyến khích các con tìm kiếm các thông tin, lời giải đáp cho những thắc mắc từ chính những quyển sách mà gia đình đang có.
Chị Thanh Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM) hướng dẫn các con chọn sách, truyện tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Trong mọi tình huống, các bậc phụ huynh chỉ nên gợi ý chứ đừng ép buộc các con phải đọc quyển sách này, phải chọn ngay cuốn sách nọ… Bởi nếu không thích thì tất cả với trẻ chẳng khác nào những cực hình chứ không còn là niềm vui hay sự hào hứng nữa. Phụ huynh chỉ nên từ chối một cách nhẹ nhàng khi nhận ra độ tuổi của con mình chưa phù hợp để đọc những quyển sách nào đó mà thôi. Khi dần lớn lên, nhận thức của trẻ sẽ thay đổi theo thời gian, đồng thời trẻ cũng sẽ thay đổi cách chọn và đọc sách của mình. Để rồi đây chính là lúc thích hợp để nhẹ nhàng hướng trẻ biết cách sắp xếp ngăn nắp, theo thứ tự những quyển sách của riêng mình, nâng niu giữ gìn từng quyển sách như những người bạn thật sự.
Sách của các thành viên trong gia đình có thể xếp cùng chung một kệ theo những chủ đề khác nhau sao cho thuận tiện để trẻ sau khi đọc xong những quyển sách của mình thì cũng có thể lân la, dòm ngó đến những quyển sách khác của anh chị hoặc cha mẹ.
Một kinh nghiệm khác từ chính bản thân tôi đó là tập cho con tính tự lập, giao tiếp với người khác, xoay xở trước những tình huống khác nhau khi thường xuyên lui tới các nhà sách, đương nhiên là có sự giám sát từ xa của cha mẹ. Chẳng hạn như gửi túi, giỏ trước khi vào nhà sách; đi tìm những kệ sách, cuốn sách theo sở thích của trẻ; hỏi các cô chú ở nhà sách về tựa sách mình cần; để sách lại đúng nơi mình đã lấy; tự cầm sách đến quầy thu ngân để tính tiền; biết cảm ơn khi trẻ nhận được sự giúp đỡ của một ai đó…
Nhà sách đâu chỉ có sách mà còn có nhiều trò chơi, thú vui khác cũng bổ ích không kém để cha mẹ và con cái cùng trải nghiệm. Điều quan trọng là con có được niềm vui và cảm thấy hào hứng khi những lần sau được cha mẹ rủ rê đến nhà sách. Cũng vậy, quyển sách không chỉ là những trang giấy được in đầy chữ rồi đóng lại thành cuốn mà còn là cả cánh cửa để mở ra những thế giới diệu kỳ của tri thức cho mọi đứa trẻ. Quan trọng là những người làm cha mẹ có ý thức được điều đó và hành động hay không?