Muốn tạo dựng môi trường đọc sách, trước hết, cha mẹ cần là có thói quen đọc sách. Chí ít, trong gia đình bạn cần có một giá sách theo sở thích cá nhân - nơi lưu giữ những cuốn sách mà bạn yêu thích. Nếu được, bạn có thể để thêm giá sách trong phòng khách hoặc phòng riêng của trẻ.
Và muốn có môi trường đọc sách cho con thì bản thân cha mẹ phải hiểu về sách dành cho lứa tuổi của trẻ. Trước khi sinh con, tôi đã trang bị kiến thức này bằng cách đọc rất nhiều sách liên quan rồi đến các sự kiện sách để trao đổi với các tác giả, cha mẹ khác, hay đến các nhà sách.
Giai đoạn trẻ 0-6 tuổi được nhiều chuyên gia giáo dục, nhà tâm lý học khuyến cáo là “lứa tuổi vàng” trong việc tương tác, tạo thói quen đọc sách từ giai đoạn này tới khi con đã tự biết đọc, biết viết. Do đó, cha mẹ cần định hình cách chọn sách phù hợp với từng lứa tuổi: 0-6 tháng; 6-12 tháng; 1-2 tuổi; 2-3 tuổi; 3-6 tuổi để bài trí sách phù hợp với lứa tuổi con.
Bạn sắp xếp một giá sách, to, nhỏ đều được nhưng điều quan trọng là giá sách cần đặt sát mặt đất. Nếu gia đình có nhiều phòng, bạn cũng có thể để những giá sách hoặc để cố định vài quyển sách ở những vị trí khác nhau, tiện cho việc đọc sách cho con bất cứ lúc nào.
Tôi đang để sách theo kiểu này nên dù trong phòng ngủ, phòng khách hay đâu đó, con đều có thể vớ được những cuốn sách bắt mắt. Cạnh một số vị trí đọc thuận tiện, tôi bố trí gối xốp hoặc ghế ngồi thấp có tựa lưng nên khi vớ được sách là con có thể thoải mái ngồi đọc mà không thấy chán hay mỏi.
Mỗi khi có hứng thú, con thường chạy ngay chỗ chồng sách yêu thích, cầm sách tự xem hoặc mang tới nhờ bố mẹ đọc giúp. Lúc này, bố mẹ hãy để công việc sang một bên, đặt bé ngồi trên lòng hoặc ngồi đối diện để tạo cho con cảm giác yên tâm, thích thú khi vừa nghe giọng đọc của bố mẹ vừa dán mắt vào những hình vẽ, câu chuyện trong cuốn sách.
Con ở độ tuổi nào, bạn cần đưa con đến nhà sách để tìm sách phù hợp với lứa tuổi đó. Mỗi lần đi mua sách, bạn nên chọn một chủ đề cho con, không nên mua một lúc nhiều sách khác nhau. Bởi khi có quá nhiều lựa chọn, trẻ sẽ nhanh chán với các món quà được bố mẹ "hào phóng" mua cho. Quan sát bé nhà tôi thì thấy, có những bộ truyện tranh, con xem đi xem lại nhiều tháng vẫn không thấy chán.
Hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng mua sách qua mạng. Tuy nhiên, việc cho con đi ngắm sách cũng là cách để cha mẹ và con được cùng tiếp cận sách. Có khi không nhất thiết mua, nhưng được xem những bộ sách mới, ngồi ôm con xem sách tranh hoặc con quan sát những người xung quanh “ứng xử” với sách. Đó cũng là cách giúp con tiếp cận với môi trường sách đa dạng hơn.
Tiếp cận với sách thường xuyên, con có thói quen cầm sách xem tranh. Đó là thành công bước đầu. Khi con biết nói, biết đề nghị bố mẹ đọc sách, khi ấy cha mẹ có thể tạo môi trường đọc sách thêm sinh động. Ví dụ, tạo một cái lều đọc sách. Chiếc lều đọc sách này có thể sử dụng khi trẻ còn rất nhỏ, cho đến bậc tiểu học. Sở hữu cá nhân luôn là đặc điểm ưa thích của trẻ.
Điều tôi muốn gửi gắm tới các bạn là muốn con thích sách thì cha mẹ cần tạo môi trường đọc sách cho con. Cha mẹ cũng là người có thói quen đọc sách, tiếp cận các sách phù hợp với lứa tuổi của con. Luôn ôm con vào lòng để chỉ những hình ảnh, bức tranh trong sách. Từ đó, trẻ sẽ hình thành thói quen muốn được bố mẹ đọc sách cho. Khi con biết chữ, con sẽ tự tìm hiểu nội dung sách tranh mà con đã từng được xem khi còn nhỏ.
Hãy chia sẻ cách đọc sách cùng con, cách giúp con thích đọc sách... về địa chỉ email: toasoan@zing.vn.